Phong cách chiết trung trong thiết kế nội thất mô tả sự kết hợp một loạt các phong cách có nguồn gốc khác nhau và kết hợp chúng trong một không gian duy nhất. Bằng cách góp nhặt những yếu tố riêng của từng phong cách, tập trung vào sự sáng tạo, đề cao tính cá nhân, phong cách chiết trung tạo nên một không gian sống rất riêng cho chủ nhà.
Phong cách chiết trung hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX bởi một nhóm các nghệ sĩ ở Anh, những người yêu thích sống trong ngôi nhà trang trí bởi nội thất cổ điển, đậm chất nghệ thuật và những đồ lưu niệm độc đáo mà họ sưu tầm được sau những chuyến du ngoạn bốn phương. Chủ nghĩa chiết trung thời kỳ đầu là sự thể hiện quan điểm của tầng lớp tư sản hãnh tiến ít hiểu biết về kiến trúc, nghệ thuật nhưng muốn phô bày sự giàu có và thị hiếu khác lạ về nghệ thuật bằng cách trang trí cầu kỳ mà bỏ qua tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, những giai đoạn sau, phong cách chiết trung đã có sự tiến bộ đáng kể, đa dạng và mạnh mẽ hơn.
Phong cách chiết trung là gì?
Phong cách chiết trung (Eclectic) là một xu hướng thiết kế nội thất được rất nhiều người lựa chọn, bởi đây phong cách này không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn hài hòa giữa nhiều phong cách khác nhau, giữa cái cũ với cái mới, cùng sự phong phú về ý tưởng, kiểu dáng, vật liệu… Phong cách chiết trung khuyến khích mọi người tự do sử dụng những yếu tố mà họ yêu thích nhằm tạo nên một không gian ấm áp, đa sắc, đậm đà và thể hiện rõ nét tính cách của người sở hữu căn phòng.
|
Phong cách chiết trung pha trộn giữa cái cũ với cái mới, giữa sự yên tĩnh với khoa trương, giữa Đông và Tây... thay vì tuân theo những luật lệ cứng nhắc. |
Lằn ranh giữa chiết trung và sự hỗn loạn rất mong manh, tuy nhiên, đây không phải là phong cách tự do, không theo một quy tắc nhất định nào cả. Bởi chúng ta không thể tùy hứng chắp ghép một chút của mình, một chút của người khác mà cần đầu tư thời gian, óc sáng tạo nhằm biến chúng thành điểm nhấn thu hút.
Bên cạnh đó, để tạo nên không gian nội thất mang phong cách Eclectic thì chỉ nên kết hợp không quá ba kiểu phong cách trang trí. Hoặc đó có thể là các phong cách có sự tương đồng với nhau, chẳng hạn như cổ điển kết hợp đương đại, phục hưng hòa quyện với Rococo.
Tựu chung lại, dù tương đối thoải mái trong quá trình thiết kế nhưng tổng thể không gian vẫn cần đảm bảo các yếu tố dưới đây.
Phông nền đơn giản
Những gia chủ lựa chọn phong cách chiết trung thường là những người thích sưu tầm những nội thất có thiết kế độc đáo. Do vậy, biện pháp an toàn khi thực hiện là sử dụng tường, gạch và trần nhà màu trắng hoặc màu trung tính. Khi xếp các món nội thất cạnh nhau, phông nền đơn giản như vậy có tác dụng gắn kết hiệu quả hơn là một lớp nền rực rỡ.
|
Một phông nền trung tính là cần thiết để làm nổi bật các yếu tố nội thất khác. |
Cân bằng và đối xứng
Phong cách phong cách chiết trung toát lên vẻ hấp dẫn từ chính sự tương phản về kích thước, thiết kế, màu sắc và chất liệu của vật dụng. Điều này giúp cho chúng trở nên nổi bật hẳn trong không gian. Tuy nhiên, đừng quên tìm sự liên kết giữa chúng để tạo sự kết nối hài hòa cho tổng thể.
Chẳng hạn, trong phòng ăn, bạn có thể chọn bốn mẫu ghế khác nhau cả về chất liệu hay màu sắc nhưng lại giống nhau về tỷ lệ kích thước hay kiểu dáng. Đồng thời kết hợp bàn ăn, đèn chùm, khung ảnh treo tường với cùng một tông màu. Chính những điều này tạo ra sự tương phản nổi bật mà vẫn tinh tế cho không gian.
|
Đảm bảo sự cân bằng về hình dáng, kích thước để tạo nên một không gian hài hòa, hợp lý. |
Để làm được như vậy, trước tiên, bạn nên chọn những món nội thất thiết yếu nhằm tạo cái nhìn tổng quan cơ bản cho căn phòng. Sau đó, hãy bắt đầu phối hợp với thảm, gạch trang trí, đèn chùm, khung tranh hay các đồ nội thất khác. Bên cạnh đó, sử dụng giếng trời, tấm kính trong suốt để tạo sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối cũng là một gợi ý khá hay khi ứng dụng phong cách này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần đảm bảo là luôn phải tìm ra điểm tương đồng để kết hợp những chi tiết này với nhau.
Tính lặp lại
Sự lặp lại về hình dáng, màu sắc, hình ảnh góp phần tô đậm phong cách chiết trung. Để thực hiện điều này, trước hết, chúng ta cần chọn lựa một vài yếu tố cơ bản trong căn phòng. Tiếp theo, hãy cân nhắc xem những yếu tố nào có thể được nhắc lại. Chẳng hạn, nếu trong phòng đã có một chiếc bàn tròn, bạn chỉ cần tìm thêm một chiếc đồng hồ cổ treo tường hoặc một chiếc gương tròn.
|
Phòng khách chiết trung được hình thành bằng cách lặp lại một loạt hình chữ nhật, từ bàn cà phê, cửa sổ, biển quảng cáo cho đến các bức tranh nghệ thuật. |
Kích thước, tỷ lệ, bố cục
Kích thước, tỷ lệ, bố cục là những yếu tố quan trọng đối với bất kỳ không gian nào và càng cần được tính toán kỹ lưỡng trong phong cách ngẫu phối như chiết trung. Tựu chung lại, không gian sinh hoạt gồm hai yếu tố chính: Phông nền cơ bản gồm sàn, tường, trần nhà và phần nội thất, đồ trang trí. Nếu muốn thể hiện cá tính thông qua đồ nội thất thì phông nền cơ bản nên thiên về sự đơn giản, nhã nhặn và ngược lại. Như vậy, trong một không gian chiết trung, phải có một yếu tố chính và một yếu tố nhạt màu hơn để cả hai cùng được tôn lên, tránh sự đối chọi gay gắt khiến người trong phòng cảm thấy rối mắt.
|
Nội thất có kích thước tương xứng với diện tích phòng là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo tổng thể hài hòa, thuận mắt. |
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu tâm đến tỷ lệ kích thước của đồ nội thất so với diện tích căn phòng để đảm bảo sự hài hòa cho không gian.
Màu sắc
Phong cách nội thất chiết trung khá thoải mái trong vấn đề lựa chọn màu sắc. Bạn được quyền sử dụng bất cứ màu sắc nào miễn là nó được phối hợp một cách hài hòa, cân đối. Trong không gian chiết trung, bạn có thể kết hợp màu cam tươi sáng với màu hồng phấn hoặc trộn lẫn các tông màu xanh lá với nhau. Tương tự với họa tiết trong phòng, bạn hoàn toàn có thể kết hợp họa tiết hoa với họa tiết sọc hay vân gỗ… Tuy nhiên, nên lựa chọn một màu sắc đặc trưng để không gian có chủ đề và không bị rườm rà, rối mắt.
|
Phòng ngủ trên đây là một ví dụ điển hình. Căn phòng có khá nhiều màu sắc và họa tiết từ chăn, ga trải giường đến thảm. Nếu bổ sung thêm màu sắc, họa tiết sẽ khiến căn phòng trở nên rối mắt hơn. Vì thế, nên chọn một vài màu sắc rực rỡ và họa tiết bắt mắt. |
Chất liệu
Chất liệu tạo nên chiều sâu cho không gian. Phong cách Eclectic không giới hạn trong việc sử dụng chất liệu, từ da, kim loại, gỗ, vải thô… đều có thể được kết hợp một cách đầy ngẫu hứng và tự do. Tuy nhiên, để đẩy tính chiết trung lên cao, cách đơn giản là đưa những họa tiết, hoa văn của chất liệu kết hợp hài hòa với nhau, đồng thời bù đắp vật liệu với nhau bằng cách đưa thêm vật liệu thô, nhám vào không gian đã có vật liệu sáng bóng hay bù đắp thêm nhựa, sứ cho kim loại, vải bố thô cho vải lụa mịn…
|
Những chất liệu khác nhau được phối hợp ăn ý trong không gian làm việc. |
Thể hiện cá tính bản thân
Nét quyến rũ của phong cách Eclectic nằm ở chính cá tính của chủ nhân không gian đó. Vì thế, đừng giới hạn chính mình trong quá nhiều quy tắc cứng nhắc khi thiết kế nhà theo phong cách chiết trung mà hãy thoải mái thể hiện cá tính của bản thân. Những món đồ lưu niệm từ các chuyến du lịch đến những vùng đất xa, chồng sách cũ từ thuở ấu thơ hay đĩa CD của ban nhạc yêu thích… đều có thể trở thành chi tiết trang trí đắt giá cho căn phòng chiết trung.
|
Biến không gian sống trở nên độc đáo hơn bằng cách đưa vào các chi tiết thể hiện cá tính bản thân. |
Xem thêm: Không gian sống đậm chất chiết trung trong căn nhà của nữ blogger