Hiện nay, nhiều Việt kiều về nước mua bất động sản để ở, cho thuê hoặc kinh doanh. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không? Hiệu lực của giấy chứng nhận này như thế nào?
Hiện nay, nhiều Việt kiều về nước mua bất động sản để ở, cho thuê hoặc kinh doanh. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không? Hiệu lực của giấy chứng nhận này như thế nào?
Trả lời:
Điều 9, Điều 10 Luật Nhà ở quy định: "Tổ chức, cá nhân trong nước (không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú), người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở".
Điều 125 quy định cụ thể đối với người sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau: "Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó. Thời hạn được sở hữu nhà ở là thời hạn quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, sau khi hoàn thành việc xây dựng theo dự án, chủ đầu tư được quyền bán nhà thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (như đã nêu trên). Người mua nhà được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Điều 126 nêu: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện nêu trên đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ".
Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở không còn hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Nhà ở bị tiêu hủy hoặc bị phá dỡ; nhà ở bị tịch thu hoặc trưng mua theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nhà ở được xây dựng trên đất thuê đã hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê tiếp hoặc không được chuyển sang hình thức giao đất để sử dụng ổn định lâu dài; nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền, người được cấp giấy chứng nhận không đúng đối tượng, nhà ở được ghi trong giấy chứng nhận không đúng với hiện trạng khi cấp giấy hoặc nhà ở xây dựng trong khu vực đã bị cấm xây dựng nhà ở; nhà ở có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng đã được cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận khác.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chung cho tổ chức và cá nhân. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân.
(Theo KT&ĐT)