Các thông số trong thiết kế bếp như diện tích phòng bếp, kích thước tủ bếp, khoảng cách giữa các thiết bị bếp quan trọng… nhất thiết phải được tính toán kỹ lưỡng dựa trên đặc điểm nhân trắc học và thói quen sinh hoạt để đảm bảo thuận tiện cho người nội trợ trong quá trình nấu nướng.
Diện tích phòng bếp bao nhiêu là hợp lý?
Diện tích này không có một con số cụ thể nào cả mà còn phụ thuộc vào diện tích tổng thể của ngôi nhà, số thành viên, các trang thiết bị bếp…
Nếu phòng bếp chỉ thiết kế đơn giản gồm tủ bếp, bếp nấu, chậu rửa mà không tích hợp phòng ăn thì diện tích phòng bếp phổ biến là 12m2, 15m2, 17m2, 20m2, 22m2, 25m2 và 27m2.
|
Phòng bếp 12m2 phù hợp với các gia đình nhỏ. |
Trong trường hợp phòng bếp được tích hợp thêm bàn ăn, quầy bar mini hay đảo bếp thì cần nới rộng diện tích thêm một chút sao cho khoảng cách giữa tủ bếp với bàn ăn, bàn đảo, quầy bar rơi vào khoảng 1,2m để hai người có thể di chuyển thoải mái.
Những gia đình đông người, có nhiều thế hệ cùng chung sống thì diện tích phòng bếp sẽ có sự khác biệt so với phòng bếp của gia đình nhỏ hoặc vợ chồng mới cưới. Ví dụ, gia đình nhỏ gồm vợ chồng và 1-2 con thì diện tích phòng bếp khoảng 12-15m2 là khá phù hợp. Đối với những gia đình có 5-6 thành viên, bạn có thể lựa chọn diện tích khoảng 20-25m2. Phòng bếp quá hẹp so với số thành viên sẽ gây bất tiện khi di chuyển và tạo cảm giác bí bách, khó chịu. Trong khi đó, phòng bếp quá rộng sẽ khiến không gian trở nên lạnh lẽo, nhàm chán, thiếu sự gắn kết.
Ngoài yếu tố về số lượng người sử dụng, chúng ta cũng cần quan tâm tới tỷ lệ tương xứng giữa diện tích phòng bếp với diện tích tổng thể của ngôi nhà. Trong một ngôi nhà rộng, chúng ta có thể thoải mái lựa chọn diện tích phòng bếp rộng. Tuy nhiên với những ngôi nhà nhỏ, diện tích phòng bếp cần thu hẹp lại để đảm bảo sự thông thoáng cho tổng thể. Do vậy, chúng ta nên tiến hành đo đạc cẩn thận, sau đó tính toán diện tích phòng bếp cho phù hợp sau khi chừa lại không gian dành cho phòng khách, phòng tắm hay phòng vệ sinh.
Kích thước tam giác hữu dụng trong bếp
Tam giác hữu dụng là quỹ đạo mà người nội trợ di chuyển từ tủ lạnh, bồn rửa và bếp nấu trong quá trình nấu nướng. Theo quy tắc tam giác hữu dụng, tổng chiều dài ba cạnh của tam giác nên nằm trong khoảng 4,0 đến 7,9m, lý tưởng nhất là 5,5 đến 6,6m cho phù hợp với đặc điểm nhân trắc học của người Việt.
|
Tam giác hữu dụng trong các không gian bếp khác nhau. |
Bên cạnh đó, các cạnh của tam giác hữu dụng không ngắn hơn 1,2m hay dài hơn 2,7m để đảm bảo người nội trợ không cảm thấy vướng víu khi thao tác nấu nướng nhưng cũng không mất sức khi di chuyển giữa các khu vực.
Kích thước tủ bếp tiêu chuẩn
Theo các chuyên gia trong ngành, kích thước tiêu chuẩn cho tủ bếp nên dựa trên chiều cao của người hay làm bếp nhất trong nhà. Thông thường, trong các gia đình Việt, người phụ nữ sẽ đảm nhận chức vụ bếp núc, do đó, các nhà thiết kế nội thất cần điều chỉnh kích thước linh hoạt khi thiết kế bếp cho phù hợp.
Tủ bếp được chia làm hai phần gồm tủ bếp trên và tủ bếp dưới. Dưới đây là các thông số bạn cần lưu ý:
Tổng chiều cao toàn bộ hệ tủ
Tùy thuộc vào chiều cao trần bếp để thiết kế tủ cao hay thấp. Tuy nhiên, tổng chiều cao của cả tủ trên và tủ dưới không nên quá 2,4m và tầm với mở tủ tối đa từ 1,8-1,9m. Việc thiết kế tầm với mở tủ quá cao khiến người nội trợ phải rướn người, dẫn tới mất thăng bằng và có thể gây nguy hiểm.
Khoảng cách giữa tủ bếp trên và tủ bếp dưới
Khoảng cách lý tưởng giữa hai phần tủ bếp là 0,6m, không nên vượt quá 0,7m (phù hợp với chiều cao trung bình của phụ nữ Á Đông). Kích thước này còn được tính toán cụ thể tại từng khu vực như sau:
- Máy hút mùi nên đặt cách mặt bếp từ 60-80cm. Đây là khoảng cách vừa đủ để máy hút mùi hoạt động hiệu quả, hút được triệt để mà không gây vướng víu khi thao tác.
- Khoảng cách giữa tủ bếp trên và tủ bếp dưới tại khu vực khoang chậu rửa từ 40-60cm.
|
Kích thước tiêu chuẩn của tủ bếp trong gia đình. |
Hiện nay, người ta thường ốp kính màu laminate cho mặt tường giữa tủ bếp trên và tủ bếp dưới vì có ít đường nối, đảm bảo vệ sinh và nâng cao tính thẩm mỹ cho không gian nấu nướng.
Kích thước tủ bếp dưới
Chiều cao tủ bếp dưới thông thường là từ 80-90cm và chiều sâu tủ từ 45-50cm. Theo kích thước lỗ ban thì chiều cao là 0,81cm. Kích thước này cho phép bạn có thể đặt vừa vặn các thiết bị như máy rửa bát âm tủ, các loại bếp âm tủ, lò nướng, lò vi sóng…
Đặc biệt, nếu người tàn tật ngồi xe lăn là nội trợ chính trong gia đình thì nên thiết kế tủ bếp dưới có chiều cao không quá 76cm để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Kích thước tủ bếp trên
Tủ bếp trên có độ cao từ 45-75cm, độ sâu tủ trung bình từ 30-35cm. Phần tủ bếp trên với kích thước như vậy phù hợp với kích thước phổ thông của các thiết bị như máy hút mùi hay máy sấy bát.
Nếu gia đình bạn sử dụng máy hút mùi dạng âm thì cần lắp thêm cánh tủ che ống khói để đảm bảo thẩm mỹ. Khoảng cách cánh tủ phải giật lên 15cm so với đáy tủ để chừa không gian cho phần taplo điều khiển. Nếu sử dụng máy hút mùi dạng nắp che bằng kính thì có thể để trống mà không cần gắn cánh tủ. Ngoài ra, tại vị trí lắp đặt máy hút mùi, bạn trừ hao mỗi bên 1cm để việc lắp đặt được dễ dàng hơn.
Kích thước mặt đá tủ bếp
Kích thước này khá quan trọng, có ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và sự thoải mái của người nội trợ khi nấu nướng. Kích thước mặt tủ bếp tiêu chuẩn như sau: Chiều sâu 60-62cm, chiều dài bàn đá trong khoảng 150-210cm và không dài quá 320cm, độ dày 15-18-20cm.
Một vài thông số đáng chú ý khác trong bếp
1. Chiều cao đảo bếp có bếp nấu kết hợp tùy thuộc vào chiều cao của người sử dụng:
2. Với đảo bếp kết hợp bar thì chiều cao bàn đảo từ 80-90cm, chiều cao bar 110-115cm, chiều cao từ mặt bếp nấu đến đáy máy hút mùi là 75cm.
3. Với bàn đảo không có bếp thì chiều cao từ 75-80cm. Nếu bố trì đèn thả ở trên thì độ cao cách mặt bàn 75cm để thao tác được dễ dàng.
4. Chiều cao ghế ngồi tại quầy bar từ 75-80cm, chỗ gác chân cao 20cm tính từ sàn nhà. Mặt ghế cách đáy bàn tối thiểu 25cm thì khi ngồi mới cảm thấy thoải mái.
5. Diện tích đặt bàn ăn ít nhất khoảng 15m2, bên cạnh đó còn cần không gian cho bàn soạn ăn, tủ cốc chén. Cần đảm bảo mối liên hệ giữa khu vực ăn uống và bếp, tốt nhất không nên cách nhau quá 3m.
6. Khoảng cách giữa bồn rửa và bếp nấu tối thiểu là 60cm để nước từ bồn rửa không văng vào bếp.