Vì sở hữu nhà vệ sinh nhỏ chỉ 3m2 nhưng lại bày quá nhiều thiết bị bên trong nên gia đình chị Thảo gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng.
Chị Nguyễn Thu Thảo sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội đã quyết tâm đầu tư một số tiền lớn để tu sửa khu vệ sinh nhà mình tiện nghi hơn. Tuy nhiên, do tính toán không hợp lý nên dù tiêu tốn rất nhiều tiền mà chị Thảo vẫn không tận dụng được hết công năng của các thiết bị đã mua.
Gia đình chị có 6 người (ông bà, vợ chồng và hai con) sống trong ngôi nhà ống 4 tầng. Ngôi nhà được xây từ cách đây 20 năm, trên nền đất 60m2 với kiểu thiết kế lỗi thời, có cầu thang ở giữa, mỗi tầng có 2 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh nhỏ. Do trước đây, gia đình chồng chị Thảo sống ở tập thể cũ, phải dùng chung nhà vệ sinh với 3 gia đình khác nên rất bất tiện. Vì thế, bố mẹ chồng chị cảm thấy rất vui khi có nhà vệ sinh riêng. Do ông bà muốn có phòng ngủ rộng rãi nên chỉ bố trí 1 nhà vệ sinh rộng 3m2 ở mỗi tầng.
Mỗi nhà vệ sinh đều được ốp gạch trắng thông thường và được trang bị nội thất cơ bản như bồn rửa tay, gương soi, vòi hoa sen, bồn cầu. Do không có buồng tắm riêng nên nhà vệ sinh luôn trong tình trạng lênh láng nước. Thỉnh thoáng, mọi người quên không lật nắp bồn cầu khi tắm nên chỗ ngồi vệ sinh bị ướt khiến chị cảm thấy bất tiện khi sử dụng.
|
Chị Thảo trang bị quá nhiều tiện nghi trong phòng vệ sinh có diện tích hạn chế. Ảnh: GT. |
Giữa năm 2017, chị Thảo đề xuất sửa chữa khu vệ sinh với cả nhà. Tuy nhiên, ông bà thấy không cần thiết nên chị chỉ đầu tư cho phòng vệ sinh ở tầng 3 là chỗ của vợ chồng chị và hai con. Chị dự tính sẽ cải tạo lại như sau: Lát lại sàn, ốp gạch tường, làm phòng tắm đứng, thay mới bồn cầu, bổ sung thêm tủ kệ đựng mỹ phẩm, đồ tắm gội.
Chị cũng xác định sẽ cải tạo thật kỹ lưỡng để sau này không phải sửa chữa. Do vậy, chị đã cùng một người thợ đi mua những thiết bị tốt. Chỉ riêng khu tắm đứng đã được chị đầu tư hơn 10 triệu dù diện tích chưa tới một m2. Trong khi đi chọn đồ, nếu người bán quảng cáo có thiết bị nào tốt, chị đều xiêu lòng dù giá đắt hơn dự kiến. Vì thế, tổng số tiền chị phải bỏ ra để cải tạo nhà vệ sinh lên tới gần 25 triệu, dù kinh phí dự kiến ban đầu là 20 triệu.
Do được đầu tư tốn kém nên nhà vệ sinh sau khi cải tạo khiến chị cảm thấy rất hài lòng. Vòi hoa sen cao cấp như ở khách sạn, có thể phun tia nước mạnh, tạo cảm giác thoải mái. Nhà tắm không còn lênh láng nước như trước. Chị cũng có nhiều không gian hơn để cất dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và khăn mặt nên không phải chạy ra, chạy vào để lấy đồ như trước.
Tuy vậy, rắc rối phát sinh khi chị tắm cho cậu con trai út 3 tuổi. Do khoang tắm bằng kính khá nhỏ, chỉ đủ diện tích cho con đứng nên chị phải ngồi ở phía bên ngoài. Nhiều khi không để ý, chị còn bị đập tay, chân vào kính. Phòng tắm chật chội nên bé không thể ngồi trong chiếc chậu tắm yêu thích để chơi đùa. Vì thế, hai vợ chồng chị phải tắm cho con ở tầng 2 thì mới cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, chồng chị Thảo có thân hình to béo nên anh cảm thấy khó chịu, vướng víu mỗi khi vào trong khoang tắm.
Hơn nữa, do các thiết bị trong nhà tắm được bố trí khá gần nhau nên chị Thảo gặp khá nhiều khó khăn mỗi khi lâu chùi, vệ sinh phòng tắm. Chị phải lách người mới có thể làm sạch được những ngóc ngách ở phía trong.
Trước đây, do phòng tắm có màu trắng thường bị lộ bẩn khi không dọn dẹp thường xuyên nên chị đã lát lại phòng tắm với gạch màu nâu nhạt, be có họa tiết trang trí. Thoạt nhìn, phòng vệ sinh có vẻ sạch sẽ nhưng chính những họa tiết trang trí lại khiến nhà tắm thêm chật hơn.
Giờ đây, chị Thảo cảm thấy hối hận vì bỏ ra nhiều tiền cải tạo phòng tắm để được hưởng sự tiện nghi nhưng lại gặp cảnh khó chịu trong quá trình sử dụng. Chính bản thân chị cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng không dám phàn nàn bởi đây là quyết định của bản thân.
KTS Lê Thanh Hà cho biết, có rất nhiều gia đình gặp phải sai lầm giống như chị Thảo. Do trước kia phải sống trong cảnh thiếu thốn nên nhiều gia đình lập tức sắm thêm các thiết bị hiện đại khi có điều kiện. Tuy nhiên, do chưa tính toán kỹ lưỡng tới việc những thiết bị này có phù hợp với không gian hiện có hay không.
Đối với gia đình chị Thảo, giải pháp đưa ra là mở rộng phòng tắm. Do mỗi tầng có diện tích khá rộng nên chị có thể mở rộng phòng tắm lên thành 6 - 7m2. Như vậy, chị sẽ có đủ không gian để bố trí khu khô và khu ướt. Nếu vẫn giữ diện tích như hiện tại, rất khó để có thể đáp ứng nhu cầu như mong muốn của chị.
KTS Lê Thanh Hà cũng khuyên các gia đình nên tập trung vào công năng của thiết bị hơn là mục đích trang trí. Nên chọn các thiết bị như vòi rửa, bồn cầu, vòi hoa sen... có chất lượng tốt. Với những phòng tắm nhỏ nên ốp gạch trơn, màu sáng, hạn chế họa tiết hoa lá.
|