Tôi và mẹ đang sống tại Đức, quốc tịch Đức. Bà ngoại tôi ở Việt Nam đã mất năm 2006. Bà ngoại có tài sản là một căn nhà, trong di chúc đề tên cho hai người là con và cháu ngoại (tức là mẹ và tôi), nhưng tôi muốn toàn bộ tài sản đó chuyển nhượng lại cho mẹ.
Tôi và mẹ đang sống tại Đức, quốc tịch Đức. Bà ngoại tôi ở Việt Nam đã mất năm 2006. Bà ngoại có tài sản là một căn nhà, trong di chúc đề tên cho hai người là con và cháu ngoại (tức là mẹ và tôi), nhưng tôi muốn toàn bộ tài sản đó chuyển nhượng lại cho mẹ.
Yêu cầu:
Do công việc làm ăn, tôi không thể về Việt Nam để ký tên chuyển nhượng cho mẹ tôi. Xin hỏi tại Đức tôi có thể lên đại sứ quán để ký tên chuyển nhượng được không? Đơn xin ở đâu? Quy định pháp luật về di chúc sở hữu nhà ở VN dành cho người sống ở nước ngoài như thế nào? Sang tên chủ quyền nhà từ bà ngoại qua mẹ tôi, mẹ tôi phải làm thủ tục gì ở Việt Nam?
Trả lời:
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định tại Điều 61 Nghị định 90 ngày 6/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì mẹ bạn và bạn (hiện sống ở Đức, mang quốc tịch Đức) khi nhận thừa kế căn nhà theo di chúc từ bà ngoại bạn chỉ được đứng tên quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở khi thuộc đối tượng quy định tại điều 126 Luật Nhà ở như sau:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định nêu trên đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Nếu mẹ bạn và bạn không thuộc diện quy định tại điều 126 Luật Nhà ở thì mẹ bạn và bạn chỉ được hưởng giá trị của nhà ở nhận thừa kế từ bà ngoại bạn.
Theo quy định tại điều 13 Nghị định 84 ngày 25/5 của Chính phủ, trong trường hợp không được đứng tên quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà là di sản thừa kế của bà ngoại bạn để lại nhưng mẹ bạn và bạn vẫn được quyền chuyển nhượng, tặng cho lại quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của phần di sản này cho cho đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo luật định. Trường hợp này, mẹ bạn và bạn sẽ đứng tên là bên chuyển nhượng hoặc bên tặng cho trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho hoặc văn bản cam kết theo quy định của pháp luật.
Trước khi tiến hành thủ tục chuyển nhượng, tặng cho nêu trên, mẹ bạn và bạn phải hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Phòng Công chứng nhà nước. Nếu như bạn không thể về Việt Nam để làm các thủ tục thì bạn có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Đức làm một văn bản ủy quyền lại cho người khác đại diện, thay mặt bạn để tiến hành các thủ tục theo quy định.
(Theo Tuổi Trẻ)