Thị trường nội địa cung vượt cầu, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tìm đến xuất khẩu như một lối thoát. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cùng một mặt hàng, cùng một thị trường với quy mô rất nhỏ bé và không chuyên nên khách hàng nước ngoài dễ bề ép giá.
Thị trường nội địa cung vượt cầu, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tìm đến xuất khẩu như một lối thoát. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cùng một mặt hàng, cùng một thị trường với quy mô rất nhỏ bé và không chuyên nên khách hàng nước ngoài dễ bề ép giá.
Theo Hội Vật liệu Xây dựng VN, có những doanh nghiệp xuất khẩu đá xây dựng chỉ xuất được 1.000-2.000 USD, mà lại là công ty dược phẩm, công ty túi xách, công ty rau quả...
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN cho hay, năng lực sản xuất dư thừa, cộng với gần 2 năm nay thị trường nhà đất đóng băng, vật liệu xây dựng càng ế ẩm hơn. Hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng để đầu tư nên sức ép trả nợ đã kéo các nhà sản xuất vào cuộc chơi ngầm bán phá giá. Chi phí nguyên liệu tăng 20-30% nhưng giá bán lại giảm tương ứng, thậm chí tới 50%. Tình trạng này dẫn đến việc cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và phía VN thường gặp thiệt thòi khi đàm phán giá với đối tác nước ngoài.
Ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ Thương mại chỉ ra một điểm yếu khác là suất đầu tư cho sản xuất vật liệu xây dựng ở VN còn quá cao, giá thành sản phẩm VN do đó thường cao hơn 15-20% so với mức trung bình trên thế giới. "Nếu tình trạng này kéo dài thì ngay cả khi các hiệp định mậu dịch tự do được áp dụng đầy đủ, VN gia nhập sân chơi WTO, vật liệu xây dựng cũng rất ít có ưu thế để vươn ra thị trường thế giới", ông Lâm nhận xét.
Với những lý do trên, tỷ lệ xuất khẩu của VN hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực gạch gốm ốp lát, sản lượng của VN lớn hơn Thái Lan và Malaysia song giá trị xuất khẩu chỉ bằng 1/10 Thái Lan và bằng 1/5 so với Malaysia. Tổng kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng trong 5 năm gần đây đạt vỏn vẹn 278 triệu USD.
VN chuẩn bị gia nhập sân chơi thương mại thế giới, nhìn trước sức ép cạnh tranh sẽ vô cùng gay gắt, Bộ Xây dựng mới đây kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia hiến kế đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời đề nghị tạm dừng cấp phép đầu tư mới để khai thác tốt các cơ sở đã có.
Theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, VN cần xác định các mặt hàng chiến lược, sử dụng nguyên liệu trong nước kết hợp với vật tư kỹ thuật nước ngoài, cụ thể là nhóm sản phẩm gốm, sứ vệ sinh, đá, thuỷ tinh xây dựng, bên cạnh đó xác định các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Hội Vật liệu Xây dựng lại đề nghị Chính phủ làm việc với các nước để giảm thuế nhập khẩu, thi hành hiệp định vận tải với một số nước châu Âu, hỗ trợ cước phí vận tải cho hàng xuất khẩu.
Phong Lan