Chọn lựa vật liệu cho ngôi nhà là một thách thức đầy thú vị cho chủ đầu tư lẫn người thiết kế.
Chọn lựa vật liệu cho ngôi nhà là một thách thức đầy thú vị cho chủ đầu tư lẫn người thiết kế.
Cả hai nên xoá bỏ các định kiến và lối mòn trong quyết định chọn lựa vật liệu, mà dành thời gian tìm hiểu thêm về các tính năng kỹ thuật trong vật liệu và thiết bị. Người sử dụng vật liệu nên bỏ dần một số thói quen – hay nói khác hơn là quán tính trong chọn lựa vật liệu:
1. Chọn vật liệu theo quán tính. Nhiều nhà thầu cũng như chủ đầu tư thường chọn một số sơn, hoặc gạch ốp lát, hay là thiết bị điện nước theo số đông mà ít để ý đến các loại khác đang xuất hiện trên thị trường. Sự quảng cáo mạnh tay của các nhà sản xuất lâu năm đã làm cho các định kiến và thói quen chọn lựa các vật liệu và thiết bị khó thay đổi. Sự trỗi dậy của các nhãn hàng mới thực sự bị thách thức bởi các định kiến và quán tính này. Các mỹ từ như “sơn đâu cũng đẹp”, hoặc là “bảo vệ ngôi nhà thân yêu của bạn đến sáu năm” đã khiến cho chủ đầu tư chỉ nghĩ về một vài loại sơn là một ví dụ.
2. Chọn vật liệu mà không nhìn vào các đặc tính vật lý của vật liệu hay thiết bị. Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây đã chú trọng nhiều hơn về việc quảng bá các tính năng đặc biệt trong vật liệu. Công nghệ nano đã giúp tạo ra những khác biệt trong các tính năng của nhiều loại vật liệu như: khả năng chống bám của thiết bị vệ sinh, khả năng tự làm sạch của sơn nước dưới tác động của ánh sáng v.v. là ví dụ. Tuy nhiên mấy ai đã quan tâm đến điều này? Họ thường xuôi chiều theo đề nghị của nhà thầu (chứ không phải nhà thiết kế) bởi vì họ tin người xây thì sát với thực tế hơn người vẽ. Đây là một sai lầm căn bản và thiếu cơ sở.
Hiện tại trên thị trường xây dựng, người được tiếp nhận thông tin nhiều và phong phú nhất chính là các nhà thiết kế, các kiến trúc sư. Các nhà sản xuất cũng quan tâm đến việc chuyển đến cho nhà thiết kế ngày càng nhiều catalogue các thiết bị và vật liệu xây dựng cùng với những hội thảo quảng bá. Do không bị áp lực về giá thầu trong chọn lựa vật liệu, các nhà thiết kế có đủ thời gian quan tâm và so sánh các vật liệu và thiết bị khác nhau, vì vậy các đề xuất chọn lựa vật liệu thường ít định kiến hoặc ít theo thói quen hơn.
3. Định kiến hàng nội không tốt bằng hàng ngoại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của chủ nhân ngôi nhà đang xây. Kiến trúc sư thường phải rất rõ trong lập trường khi chọn lựa vật liệu nhằm chấm dứt sự lưỡng lự của khách hàng trước hàng nội và hàng ngoại. Hàng loạt công ty liên doanh về gạch ốp lát ra đời, rất nhiều công ty sơn nội địa đã tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm với giá cả rất cạnh tranh cùng với chất lượng không thua kém các hãng sơn ngoại, nhưng vẫn còn khó thuyết phục các chủ đầu tư khó tính. Thị trường thiết bị điện nước nội địa cũng đã dần chiếm lĩnh bởi các nhà sản xuất nội địa hoặc liên doanh.
4. Cần thay đổi quan niệm “ăn chắc mặc bền”. Khái niệm ăn chắc mặc bền chỉ dành cho những nơi chịu nhiều va đập, sử dụng có tính ăn mòn hoặc hư hao. Còn lại những trường hợp khác ta nên cân nhắc ưu tiên cho khả năng thoả mãn thị giác hơn là sự bền vững như: cửa trong nội thất không nhất thiết phải sử dụng gỗ thật, gạch ốp nhà vệ sinh không cần phải loại chống mòn, gạch xây vách ngăn không nhất thiết phải gạch có danh tiếng v.v.
5. Càng nhiều càng ít! Ghé thăm các showroom vật liệu như tại các trung tâm vật liệu xây dựng mới thấy sự ngập tràn của vật liệu hiện nay đang chiếm lĩnh thị trường. Điều này đã gây khó cho nhà đầu tư lẫn kiến trúc sư khi phải phân vân không biết chọn món nào, vì cái nào cũng tốt và đẹp. Vì vậy, điều cần làm là phải thật kềm chế trong việc chọn lựa vật liệu. Hãy chọn càng ít càng tốt. Có những trường hợp ngôi nhà mỗi phòng một kiểu gạch, một màu sơn, một cách ốp lát đã biến ngôi nhà trở thành một showroom thực thụ!
(Theo KTDS)