Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng hiện trạng khia thác than lậu tại Quảng Ninh vẫn còn nhiều nhức nhối.
Chính quyền vào cuộc
Có thể nhận thấy, hoạt động khai thác than trái phép ở Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên tại một số khu vực nằm trong ranh giới mỏ hoặc đã giao cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) quản lý, bảo vệ, vẫn xảy ra các hiện tượng đào bới, mở các điểm khai thác than trái phép như trong ranh giới Công ty Than Mạo Khê; khu vực giáp ranh TP Uông Bí và huyện Hoành Bồ (ranh giới quản lý của Công ty Than Uông Bí) và tại các phường Cao Xanh, Hà Khánh, Cao Thắng, Hà Tu (TP Hạ Long)... Chính quyền và các đơn vị ngành than đã nhiều lần kiểm tra, xử lý (đánh sập, lấp cửa lò, cắt đường vận chuyển, phạt hành chính, trục xuất lao động) nhưng chưa thật sự hiệu quả và chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển than trên tuyến đường bộ và đường thủy còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc các đối tượng lợi dụng vận chuyển than tiêu thụ trong nước để xuất lậu đi Trung Quốc hoặc không vận chuyển, giao nhận đúng nơi quy định mà bán ngay trên các địa bàn giáp ranh với Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các đối tượng tìm mọi cách để ngụy trang (đóng than vào bao hoặc cho vào công-ten-nơ), nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng để vận chuyển than sang các địa bàn lân cận tiêu thụ. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa các lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, nhân viên giám định, thủ kho, quản lý cân than, theo dõi vận chuyển than... để lấy than bán ra ngoài còn diễn ra.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2008 đến nay, Công an tỉnh phối hợp chính quyền địa phương xử lý, đánh sập 3.255 lượt cửa lò, điểm khai thác và thu gom than trái phép; bắt giữ 4.139 vụ, 4.023 đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; thu giữ 361.190 tấn than các loại. Trên tuyến biên giới biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng của tỉnh đã bắt giữ 223 vụ với 223 tàu, bè hoặc mảng với 1.242 đối tượng; tịch thu 159.997 tấn than cám, phát mại thu nộp ngân sách hơn 80 tỷ đồng. Trên địa bàn TP Hạ Long, trong chín tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã triệt phá 583 lượt cửa lò khai thác than trái phép; kiểm tra, tạm giữ 83 xe ô-tô, 12 tàu vận chuyển, 13 điểm kinh doanh tịch thu hơn 4.000 tấn than, tám quạt gió, 26 tời, bốn máy nổ, phá hủy nhiều phương tiện phục vụ khai thác than trái phép; xử phạt vi phạm hành chính các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép với tổng số tiền gần một tỷ đồng. Ðặc biệt, đã khởi tố điều tra các đối tượng khai thác than trái phép gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cột điện cao thế tại tổ 16, khu 2, phường Hà Khánh và vụ khai thác than trái phép gây chết người tại tổ 13, khu 2, phường Hà Khánh.
Cần quyết liệt và đồng bộ hơn
Hiện nay, sau khi được cấp giấy phép khai thác than, Vinacomin giao kế hoạch nhưng một số đơn vị thành viên thực hiện sai quy định của giấy phép như khai thác không đúng phương pháp, khai thác vượt công suất so với giấy phép... Việc ký hợp đồng giao thầu khai thác than giữa đơn vị được cấp phép và đơn vị khác nhưng khai thác không theo dự án được cấp phép. Các đơn vị được cấp giấy phép chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong hoạt động khai thác than. Việc đầu tư xây dựng hệ thống các cụm cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than của Vinacomin tiến độ triển khai còn chậm; hầu hết chưa được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất, hạ tầng các bến cảng còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép vẫn tái diễn trở lại ở một số nơi và ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn như: lợi dụng diện tích đất được giao trồng rừng, đất ở, mở đường dân sinh... để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Một số khu vực tài nguyên nằm xen kẽ khu dân cư cho nên công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới mỏ của các đơn vị thuộc Vinacomin chưa tốt và còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn than xuất lậu từ các thành viên Vinacomin, vấn đề xử lý khai thác than trái phép tại các khu vực giáp ranh với khai trường than nhà nước thật sự kém hiệu quả với mức phạt hành chính không quá 50 triệu đồng, chẳng "thấm" gì so với nguồn lợi bất chính mà các đối tượng thu được từ việc ăn cắp tài nguyên quốc gia. Chế tài xử lý vi phạm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép đối với một số trường hợp chưa đủ sức răn đe.
Ðể tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép, các đơn vị khai thác than thuộc Vinacomin cần thực hiện nghiêm túc các quy định của giấy phép khai thác than và quy định của pháp luật có liên quan; khai thác tiết kiệm có hiệu quả tài nguyên than; thu hồi triệt để than trong quá trình khai thác, chế biến, sàng tuyển. Quản lý chặt chẽ đất đá thải mỏ, bã sàng, đá xít thải có than; tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên than trong ranh giới mỏ được giao, sản phẩm than, tránh trường hợp móc ngoặc lấy than từ mỏ tuồn ra ngoài. Ðặc biệt, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị cũng như lực lượng bảo vệ mỏ; nâng cao hiệu quả quản lý các trạm kiểm soát trên đường chuyên dùng chở than. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung về Luật Khoáng sản cho nhân dân, vận động nhân dân tích cực bảo vệ tài nguyên.
(Theo Nhân dân)