Trước thực trạng giá clinker tại phía Bắc khoảng 650-730 nghìn đ/tấn nhưng một số cơ sở sản xuất xi măng phía Nam lại nhập khẩu với giá 880 nghìn đ/tấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân quyết định thành lập tổ công tác để kiểm tra việc nhập khẩu clinker tại các tỉnh phía Nam.
Trước thực trạng giá clinker tại phía Bắc khoảng 650-730 nghìn đ/tấn nhưng một số cơ sở sản xuất xi măng phía Nam lại nhập khẩu với giá 880 nghìn đ/tấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân quyết định thành lập tổ công tác để kiểm tra việc nhập khẩu clinker tại các tỉnh phía Nam.
Ông Võ Quang Diệm - Phó vụ trưởng Vụ VLXD cho biết, tổ công tác đã kiểm tra tình hình nhập khẩu clinker ở Cty Xi măng Hà Tiên 1, Cty Holcim; thông quan clinker nhập khẩu tại cửa khẩu Bến Nghé (TP.HCM) và cửa khẩu Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Kết quả cho thấy, hơn 4 tháng đầu năm, 4 DN đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn clinker. Trong đó, Hà Tiên 1 nhập 410.593 tấn, Holcim nhập 402.823 tấn, DIC nhập 187.694 tấn.
Theo ông Diệm, qua kiểm tra cho thấy, các DN trong nước nhập khẩu clinker có mối quan hệ thương mại khăng khít của các DN xuất khẩu clinker Thái Lan. Chất lượng clinker nhập khẩu khá ổn định. Vận chuyển thuận lợi, giá cả cao hơn clinker vận chuyển từ phía Bắc vào không nhiều. Ví dụ, Holcim nhập khẩu với giá CIF tại cảng Thị Vải 42,938 USD/tấn, tương đương với giá clinker vận chuyển từ Nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long vào (khoảng 915 nghìn đ/tấn cả thuế). Hà Tiên 1 nhập clinker giá FOB cộng chi phí vận chuyển về cảng Bến Nghé bình quân là 45 USD/tấn, cao hơn giá vận chuyển clinker từ phía Bắc vào khoảng 40 - 50 nghìn đ/tấn. Tuy nhiên việc cung cấp, vận chuyển clinker từ Bắc vào có một số yếu tố chưa khẳng định được tính cạnh tranh. Lượng dư mác clinker Cpc 50 không nhiều (khoảng 50 - 54 N/mm2). Các cơ sở cung cấp clinker phía Bắc chưa có chứng nhận hợp quy, màu sắc clinker không đẹp, khi sử dụng phải pha trộn phức tạp. Tính chuyên nghiệp trong cung cấp, bán hàng chưa cao, tính đảm bảo cung cấp ổn định cũng không cao do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với các nhà máy nằm sâu trong nội địa thì chi phí vận chuyển lớn.
Thông tư 012010/TT-BXD ngày 8/1/2010 của Bộ Xây dựng quy định về công tác kiểm tra chất lượng clinker xi măng poóc-lăng thương phẩm, được coi là hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc nhập khẩu clinker, khuyến khích các đơn vị đang nhập khẩu clinker chuyển sang sử dụng nguồn clinker sản xuất trong nước. Đây cũng là biện pháp góp phần giảm thiểu nhập siêu theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu. Hàng rào kỹ thuật mới ban hành chưa được hướng dẫn, phổ biến và đang có sự hiểu khác nhau, chưa được quán triệt thực hiện nghiêm. Vì vậy, việc clinker nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn những bất cập trong việc quản lý. Ví dụ như nó phải được quản lý theo quy định tại khoản 2, điều 5 Thông tư số 01, nghĩa là DN nhập khẩu phải công bố hợp quy và phải có chứng nhận hợp quy đối với clinker nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường và đưa vào sử dụng. Thông tư mới có hiệu lực hơn 2 tháng, qua kiểm tra cho thấy DN nhập khẩu, hải quan cửa khẩu và tổ chức được chỉ định đánh giá sự phù hợp của clinker nhập khẩu còn rất lúng túng.
Việc chứng nhận hợp quy, Hà Tiên 1 đã ký hợp đồng với Trung tâm 3 từ ngày 11/2/2010 trước khi Thông tư 01 có hiệu lực. Còn Holcim mãi đến 24/3/2010 mới ký hợp đồng với Trung tâm 3, chậm hơn 1 tháng so với ngày Thông tư có hiệu lực. Hiện Holcim đang thực hiện chứng nhận hợp quy đối với vận đơn nhập khẩu thứ nhất. Việc thông quan clinker nhập khẩu, các hải quan cửa khẩu đang thực hiện theo điều 25 của Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục Hải quan. Theo quy trình thông quan này, kết quả thử mẫu 3 ngày. Còn theo quy định tại điểm đ, khoản 2 của Thông tư 01 thì 7 đến 10 ngày sau, tổ chức được chỉ định đánh giá sự phù hợp mới có khả năng hoàn thành và có kết quả cung cấp cho Hải quan.
Như vậy, mục tiêu thiết lập hàng rào kỹ thuật để giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu đối với clinker và buộc các đơn vị đang nhập khẩu chuyển sang sử dụng clinker sản xuất trong nước là chưa đạt được. Theo ông Diệm, thời gian tới, bên cạnh việc phải rà soát lại một số quy định của Thông tư 01 cho phù hợp với Luật Hải quan, các bộ, ngành cần phối hợp triển khai các biện pháp đồng bộ, buộc các đơn vị nhập khẩu clinker phải có trách nhiệm chia sẻ với Chính phủ chủ trương kiềm chế nhập siêu, sử dụng hàng sản xuất trong nước, bình ổn nền kinh tế vĩ mô, kể cả biện pháp thanh tra, xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định... để không xảy ra sốt xi măng ở khu vực phía Nam.
(Theo BáoXâydựng)