Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đang vô cùng chật vật. Nếu tình
trạng này tiếp tục duy trì thêm vài ba tháng nữa, chắc chắn mọi khoản
lãi các DN có được từ đầu năm sẽ bằng không, thậm chí là âm.
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đang vô cùng chật vật. Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì thêm vài ba tháng nữa, chắc chắn mọi khoản lãi các DN có được từ đầu năm sẽ bằng không, thậm chí là âm.
Đó là tâm trạng chung của các đại diện các DN sản xuất thép trong nước "than" với Bộ Công thương tại cuộc họp chiều 27.10, và mong bộ chủ quản có hướng tháo gỡ khó khăn.
Khó tiêu thụ, DN bán phá giá
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép 2 tháng gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Tiêu thụ thép trong tháng 9 vừa qua chỉ đạt 381.000 tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với tháng 8. Dự báo sức tiêu thụ thép trong tháng 10 này có thể sẽ còn thấp hơn cả tháng 9, ước khoảng 300.000 tấn.
Ngay DN chủ lực như Tổng công ty Thép Việt Nam, 10 tháng đầu năm lượng tiêu thụ đạt 1,79 triệu tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2010. Hay như Tập đoàn Thép Hòa Phát – đứng thứ 2 về công suất sản xuất nhưng hai tháng nay cũng chỉ chạy được 80% công suất, để tránh dư thừa cung, lượng hàng tồn kho.
Thị trường bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho lớn, trong khi đó, dù ngân hàng đã đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất vay cho DN từ 17-19%/năm, nhưng thực tế DN ngành thép vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: "Hiện tại chưa có DN thép công bố phá sản, nhưng DN thép đang thua lỗ nặng lắm rồi, nếu 2 tháng cuối năm vẫn tiếp tục kinh doanh ảm đạm, thị trường bị thu hẹp thì phần lãi của 10 tháng đầu năm coi như đi tong".
Đây là hiện tượng lặp lại 2-3 năm nay. Vài tháng đầu năm lãi lớn, cuối năm âm, lỗ tới cả năm sau. Thực tế doanh nghiệp không bán được hàng, đã dừng sản xuất. Đơn cử, Công ty thép Vạn Lợi trong cuộc họp Đại hội cổ đông gần đây đã tuyên bố ngừng sản xuất.
Quan ngại hơn, ông Cường thông tin, đang có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN thép với nhau. Nhiều DN bán phá giá ngay tại thị trường trong nước để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ.
Hiện nhiều DN đang chào giá thấp hơn giá thị trường từ 200.000 -300.000 đồng/tấn để đẩy mạnh tiêu thụ và giảm lượng hàng tồn kho.
"Khi tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu khó khăn, các DN trong nước không có sự bàn bạc chia sẻ khó khăn chung, chia sẻ thị phần mà lại chào giá thấp hơn đối tác nhằm giành bạn hàng nên đã có hiện tượng DN kiện cáo nhau trong nội bộ Hiệp hội"- ông Cường bình luận.
Thực tế, trong nội bộ Hiệp hội đã có tình trạng kiện cáo cho là bán phá giá giữa Tổng công ty thép Việt Nam và Posco Việt Nam.
Phải tự cứu mình
Theo dự báo của Bộ Công thương, chủ trương thắt chặt đầu tư công, tín dụng của Chính phủ chắc chắn sẽ còn kéo dài, với đà này khó khăn của ngành thép có thể còn kéo dài sang năm 2012.
Trong bối cảnh sức mua sụt giảm, ngành thép không thể đứng ngoài lề. Suy thoái kinh tế thế giới đang trở lại khiến nhu cầu thép trên thế giới giảm, kéo giá thép giảm.
Nguy cơ nhìn thấy là thép ngoại có thể tràn vào đẩy các DN thép trong nước vào tình thế khó khăn hơn do phải cạnh tranh với thép ngoại.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho rằng, tương lai của ngành thép là rất sáng sủa, nhu cầu thép trong những năm tới còn nhiều. Vì vậy, các DN phải tự cứu mình trước khi được cứu. Bên cạnh đó phải tiết kiệm năng lượng, vật tư, nguyên vật liệu, các DN cần hợp tác chặt chẽ để đối phó với vấn đề chống bán phá giá,…
(Theo infonet)