Nếu như tháng 4/2011 được xem là mùa cao điểm trong năm với sản lượng tiêu thụ xi măng (XM) ước đạt 4,6 triệu tấn, nâng sản lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm lên 16,2 triệu tấn, bằng 29,4% kế hoạch năm thì tháng 5/2011 thị trường XM rơi vào tình trạng trầm lắng.
Nếu như tháng 4/2011 được xem là mùa cao điểm trong năm với sản lượng tiêu thụ xi măng (XM) ước đạt 4,6 triệu tấn, nâng sản lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm lên 16,2 triệu tấn, bằng 29,4% kế hoạch năm thì tháng 5/2011 thị trường XM rơi vào tình trạng trầm lắng.
Lý giải cho việc sụt giảm tiêu thụ, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết: Tháng 5 bắt đầu mùa mưa cùng với cắt giảm đầu tư công đã tác động đến thị trường tiêu thụ XM toàn xã hội, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng lượng tiêu thụ của VICEM đã tụt giảm đáng kể. Một số nhà máy của VICEM như Tam Điệp nằm trong khu vực dày đặc các nhà máy XM thì tiêu thụ càng điêu đứng. Tại địa bàn Ninh Bình, XM Tam Điệp có mức giá cao nhất (mức giá thống nhất chung trong toàn VICEM) so với các loại XM khác trong khu vực, trung bình cao hơn từ 60 - 180 ngàn đồng/tấn. Trong điều kiện cung đã vượt cầu, thị trường trầm lắng thì giá bán cũng là yếu tố lớn của cạnh tranh. Nhiều nhà sản xuất đã chọn giải pháp tăng khuyến mại nhưng không làm thay đổi tình hình tiêu thụ, một số nhà sản xuất “cực chẳng đành” bèn hạ giá để tiêu thụ, giải pháp này được xem là tiêu cực trong khi với giá bán hiện tại nhiều nhà máy đang gồng mình với những khoản nợ và lỗ. Ông Lê Văn Chung - Chủ tịch HĐTV VICEM - doanh nghiệp sản xuất XM số 1 Việt Nam cho biết: “Chắc chắn VICEM sẽ tìm biện pháp bán hàng chứ không thể giảm giá, bởi giá bán hiện tại cũng đang là một cố gắng lớn, VICEM không thể “lỗ” hơn nữa”.
Mặc dù gặp khó khăn, giá bán cũng khá cao so với mặt bằng giá chung nhưng tiêu thụ của VICEM dù có chững lại cũng chưa đến mức báo động.
Sau VICEM, hàng loạt các nhà sản xuất khác như Nghi Sơn, Holcim, Chinfon… tiêu thụ cũng không mấy khó khăn. Đơn cử như XM Nghi Sơn đã làm rất tốt công tác thị trường với việc đầu tư tàu vận chuyển, kho, bãi, mức giá thuộc loại cao trên thị trường nhưng tiêu thụ vẫn ổn định.
Đại đa số các nhà sản xuất có lượng tiêu thụ mạnh trong khối dân sinh như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Hà Tiên đều cho rằng nguyên nhân chính vẫn là mưa và một phần do cắt giảm đầu tư công, còn lượng tiêu thụ trong dân vẫn “bán tốt”. Như vậy, một số thương hiệu XM khác, đặc biệt là các dự án mới đi vào hoạt động thì tiêu thụ quả là nan giải. Nhiều nhà máy đã phải bán clinker với mức giá hòa hoặc lỗ vì không tiêu thụ được XM.
Sản lượng tiêu thụ toàn xã hội trong 4 tháng đầu năm 2011 vẫn là con số trong dự kiến. Tuy nhiên, tiêu thụ chững lại trong tháng 5/2011 khiến các nhà sản xuất nhìn thấy rõ nguy cơ “ế hàng”. Vì thế, tiêu thụ sụt giảm cũng là lúc các nhà sản xuất tìm kiếm thêm thị trường ở những địa bàn mới, thường là những địa bàn xa nhà máy, vận chuyển khó khăn. Biết vậy nhưng không thể không làm bởi chấp nhận cạnh tranh trong địa bàn mới còn khả quan hơn tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Vào thị trường mới có thể bán ngay được hàng còn thị trường xuất khẩu không nhanh như vậy, mà XM là mặt hàng không thể “để dành” quá lâu chưa kể đến chuyện chưa có đơn vị xuất khẩu XM nào tuyên bố mình có lãi theo kế hoạch. Đối với ngành XM, mở rộng thị trường đi cùng với việc ngay lập tức phải tiêu thụ sản phẩm. Vào được thị trường ngoài chất lượng sản phẩm còn có giá cạnh tranh, cơ chế bán hàng linh hoạt, cơ chế này đôi khi còn có cả “cho nợ” tiền trong một thời gian nhất định. Cho nợ là vì “cực chẳng đành” bởi hiện tượng này lại rơi vào một số dự án mới đầu tư hoặc đang trong giai đoạn trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn của trả nợ đầu tư - tiêu thụ sản phẩm - bị chiếm dụng vốn là tình trạng của không ít dự án trong điều kiện thị trường trầm lắng hiện nay. Nhiều nhà sản xuất chọn giải pháp chấp nhận bán lỗ để không bị nợ nhưng không biết sẽ “cầm cự” trong bao lâu. Và như vậy, thị trường XM đang bước vào cuộc đua căng thẳng với những cơn sóng ngầm dữ dội.
(Theo Baoxaydung)