Hàn Quốc vẫn giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa lâu đời trong kì lễ Tết truyền thống âm lịch
> Cố cung Gyeongbok - tinh hoa kiến trúc đế chế Triều Tiên xưa
> Đặc sắc tết cổ truyền Tsagaan Sar của Mông Cổ
Tết cổ truyền của Hàn Quốc được goại là Seollal. Đây là dịp quan trọng nhất theo truyền thống Hàn Quốc, gồm một loạt lễ hội, bắt đầu từ Ngày Năm Mới (mùng 1 Tết). Seollal kéo dài trong 3 ngày, được coi là quan trọng hơn hẳn ngày đầu năm Dương lịch.
Trong dịp lễ tết này, cũng như ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, trẻ em luôn được quan tâm đặc biệt. Vì thế mà có người nói rằng: cứ theo chân trẻ em bạn sẽ đến được Tết Hàn Quốc.
Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Ngày mùng Một có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của một năm mới. Mọi người đều mặc quần áo cổ truyền tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời Tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ.
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Con cái đến thăm cha mẹ và chúc họ một năm mới hạnh phúc bằng cách cúi chào thật cung kính, tiếp theo là câu chúc: “Seahae bok manhi badeseyo” có nghĩa là “Gặp nhiều may mắn trong năm mới”. Trẻ em sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, sẽ được người lớn mừng tuổi bằng tiền hoặc nhiều vật quý giá: vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó.
Người Hàn Quốc mặc Hanbok nhiều màu sắc (Hanbok là trang phục truyền thống Hàn Quốc) vào ngày đầu tiên của năm mới. Người Hàn Quốc quen chào đón Năm Mới bằng cách đến thăm bãi biển phía Đông như tới các thành phố Gangneung và Donghae thuộc tỉnh Gangwon, nơi họ ngắm tia sáng đầu năm của mặt trời mọc vào ngày đầu tiên trong năm.
Tiếp sau đó mọi người sẽ đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc thăm các vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân. Họ thường đến những nơi đã được xây dựng từ các triều đại cũ theo triết lý “thiên địa nhân hoà đồng” của đạo Lão. Trẻ em Hàn Quốc cũng được đưa đi chơi ngoại ô hoặc về thăm quê.
Với các trẻ em Hàn Quốc, trong những ngày Tết Nguyên Đán còn là dịp chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như các trò chơi như kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori, một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.
Nhắc đến Tết Nguyên Đán Hàn Quốc không thể không nhắc đến văn hoá ẩm thực. Các món ăn cổ truyền trong Tết của người Hàn Quốc có hình dáng và màu sắc rất đẹp mắt như: Thịt, cá, trái cây, bánh cookie truyền thống Hangwa, tteokguk (súp bánh gạo), rau, hồng khô...
Trẻ em cũng cùng với người lớn làm bánh và dâng bánh trong các nghi thức cổ truyền.
Năm mới Nhâm Thìn đang gần kề, với những người Việt Nam ở Hàn Quốc, được ngắm nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng vào dịp lễ tết, mỗi người lại thấy như thật gần gũi với quê hương, dân tộc.
Phan Sương (Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc)