Đi trên đường phố, nhất là qua các khu tập thể như Giảng Võ, Ngọc Khánh, Kim Liên… ngước nhìn lên, từ các cửa sổ, các ban công, nhà ai cũng có một bức rèm xanh thiên nhiên.
Đi trên đường phố, nhất là qua các khu tập thể như Giảng Võ, Ngọc Khánh, Kim Liên… ngước nhìn lên, từ các cửa sổ, các ban công, nhà ai cũng có một bức rèm xanh thiên nhiên.
Ở phố, thường đất chật người đông, tất cả đều khép kín, có khi đến ngột ngạt, bức xúc. Người ta phải tìm cách lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống. Đây có thể xem như một đặc điểm cốt cách của người thành phố.
Thoạt tiên, người ta cần một cây xanh để ngăn bớt nắng, bụi vào nhà. Treo lên cửa sổ một cây xanh nào đó thật dễ sống, dễ trồng, chẳng hạn như cây vạn niên thanh, cây sam, hoa mười giờ…
Còn ban công thì phải trở thành một mảnh vườn nho nhỏ mà cũng bắt đầu từ việc trồng một cây xanh như cây tùng bách tán, cây si, cây chuối Nhật và trồng càng ngày càng nhiều loại hơn. Khi đã có cây xanh rồi, người ta bắt đầu nghĩ tới việc làm đẹp.
Thêm một chậu quỳnh để hy vọng một đêm nào đó ngồi bên bàn trà xem hoa nở. Thêm một khóm nhài để sáng mùa hè ngắm nhìn những bông hoa trắng muốt nhỏ xinh mà hương đưa nhè nhẹ. Thêm một chậu hồng để bất chợt gặp một cái nụ đầu cành như một chấm đỏ giữa trời và cả những loài hoa không hương như hoa giấy, hoa cúc…
Nhưng thích nhất là sáng sáng, chiều chiều "ra vườn" chăm bón cây, hoa, để lao động, để ngắm nhìn, để thay đổi không khí và hơn hết là để thư giãn, để có một niềm vui nho nhỏ, mỗi khi đi làm về, chợt nhìn thấy cái cây đã lớn hơn, xanh hơn…
Cái cửa sổ không còn là cửa sổ đơn thuần của kiến trúc, xây dựng, nó là nơi giao hòa thiên nhiên và con người, là nơi thưởng thức thành quả lao động… Cái ban công cũng không đơn thuần chỉ là nới thêm diện tích để ở mà nó là nơi giữ nhịp cân bằng cho cuộc sống mỗi gia đình. Và, hơn tất cả là để người ta hướng tới cái đẹp.
Một hôm tôi đi qua phố Giảng Võ, chợt nhìn thấy một tòa nhà 3 tầng có một tấm rèm xanh là cây vạn niên thanh buông từ tầng 3 xuống trông rất đẹp, đẹp đến lãng mạn. Từ hôm ấy, thỉnh thoảng đi trên đường tôi cứ nhìn lên những ô cửa sổ nhà ai đó.
Tự nhiên tôi lại nhớ đến những câu ca dao nói về đôi mắt. Chẳng hạn câu "Người khôn đôi mắt đen sì/ Người dại con mắt nửa chì nửa thau". Nghĩa là nhìn đôi mắt, biết nết người. Phương Tây lại có câu "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn". Tôi cứ lẩm bẩm tự hỏi: Vậy cửa sổ là tâm hồn của phố được không?
(Theo Chinhphu.vn)