Trong năm 2018, ngân sách chi cho những sáng kiến công nghệ để phát triển các đô thị thông minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD) sẽ đạt 30 tỷ USD.
Việc các nước châu Á-TBD rót hàng tỷ đô vào các sáng kiến công nghệ phục vụ đô thị thông minh xuất phát từ nhu cầu về an ninh công cộng, phòng chống tội phạm và hệ thống giao thông thông minh.
Trong năm nay, ngân sách mà các nước châu Á-TBD (không tính Nhật Bản) đầu tư vào phát triển đô thị thông minh sẽ đạt mức 30 tỷ USD, báo cáo nghiên cứu của công ty công nghệ thông tin IDC cho biết. Đồng thời, đơn vị này cũng dự báo rằng, trong những năm tới, khoản đầu tư này sẽ tiếp tục gia tăng và đến năm 2022 sẽ đạt 54,4 tỷ USD.
|
Việc phát triển các đô thị thông minh đang được đẩy mạnh đầu tư tại các nước châu Á-TBD. (Ảnh: jamesteohart/Shutterstock) |
“Các thành phố ở châu Á-TBD đang đối mặt với các thử thách cung cấp các hệ thống đô thị thông minh, dễ sống và bền vững bằng cách khai thác những cải tiến công nghệ và tăng cường hợp tác.”, theo đại diện IDC tại châu Á-TBD, ông Gerald Wang.
Được biết, các sáng kiến công nghệ nói trên liên quan đến việc giám sát thường xuyên, cố định; hệ thống quản lý giao thông; giao thông công cộng tiên tiến; chiếu sáng ngoài trời thông minh. Trong tổng mức chi tiêu năm 2018, các hạng mục này sẽ chiếm hơn 35%.
Việc sử dụng các hệ thống giám sát trực quan cố định tại Trung Quốc chiếm khoảng 17,3% trong tổng mức chi tiêu. Tại quốc gia này, nhu cầu về nguồn thông tin video gia tăng bởi nhu cầu theo dõi chuyển động của người dân không ngừng tăng lên. Khoảng 20 triệu camera an ninh hiện đang được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để định vị, theo dõi tội phạm trên khắp Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích thị trường tại IDC châu Á-TBD, Malini Swamy cho hay, hai lĩnh vực gồm an ninh công cộng và giao thông thông minh được ưu tiên đầu tư tại khu vực này. Bên cạnh đó, tại nhiều thành phố ở khu vực châu Á-TBD, vốn đầu tư cho việc phát triển các nền tảng chiếu sáng thông minh cũng gia tăng.