Đại dịch Covid-19 và biểu tình sắc tộc Black Lives Matter (BLM) giống như một cuộc khủng hoảng kép – cơn địa chấn làm thị trường bất động sản New York rung chuyển tới tận lõi. Số lượng tin rao nhà đất mới tại khu trung tâm Manhattan đã giảm tới 85% so với năm ngoái.
Khó khăn bủa vây bất động sản New York
Thị trường bất động sản New York đã bắt đầu lao dốc kể từ tháng 3 năm nay – khi đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn nước Mỹ. Giờ đây, khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, đòi công bằng sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã biến tướng thành cướp bóc và bạo lực, bất động sản New York lại tiếp tục hứng chịu những thiệt hại nặng nề hơn nữa.
Ông Chris Okada, người sáng lập kiêm CEO của công ty bất động sản Okada & Company, nhận định: "Đối với các nhà bán lẻ, cơn ác mộng tồi tệ nhất đã xảy ra khi người ta đập phá, xâm nhập vào tất cả các cửa hiệu, nhà hàng, văn phòng, ngân hàng để cướp bóc và phá hoại. Các doanh nghiệp vốn đang gặp khó khăn vì giãn cách xã hội lại phải đau đầu tìm cách đối phó với người biểu tình.”
|
Cảnh sát New York tuần tra tại Quảng trường Thời đại ngay trước giờ giới nghiêm có hiệu lực từ 1/6/2020 để ngăn chặn biểu tình quá khích. Ảnh: Timothy A. Clary/AFP |
Ông Francis Leung, Phó chủ tịch của Okada & Company, cho rằng những cuộc biểu tình quá khích kéo theo bạo loạn, cướp bóc không phản ánh thông điệp tích cực của phong trào BLM mà còn tạo ra đau buồn cho nhiều người hơn. Trao đổi với tờ ABC News, ông gọi tình trạng hiện nay là “một cuộc khủng hoảng trên đỉnh của một cuộc khủng hoảng”.
Theo ông Leung, chỉ vài tuần trước, các đại lý bất động sản đã nhìn thấy hy vọng khi người mua bắt đầu thể hiện sự quan tâm trở lại với thị trường nhà ở. Ông nói: "Một số người đã cố gắng tìm cơ hội sở hữu bất động sản với giá mềm hơn trong thời điểm đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đột ngột nổ ra đã trở thành một rào cản lớn. Cánh cửa của hy vọng và lạc quan vừa mới hé mở đã vội đóng lại."
Điều tương tự cũng xảy ra với các chủ đầu tư bất động sản. Trước các cuộc biểu tình, người mua đã bắt đầu trở lại thị trường dù tâm lý còn rụt rè, nhiều lo lắng. Các chủ đầu tư cũng mở bán sản phẩm mới, chuẩn bị tâm lý đối mặt với trạng thái không chắc chắn của nền kinh tế giữa thời dịch. Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình ập đến, các kế hoạch đều đổ vỡ, “xôi hỏng bỏng không”.
Charles Wahler, một nhân viên môi giới tại Okada & Company, cho biết: "Khách hàng của tôi đã hủy hợp đồng thuê nhà, khiến tôi mất đi một nửa khoản hoa hồng đáng lẽ đã nhận được. Cũng có những khách hàng khác từ bỏ các giao dịch mà chúng tôi đã làm việc với nhau suốt từ những tháng đầu năm. Họ muốn chờ đợi cho đến khi mọi thứ bình thường trở lại mới tiếp tục mua bán."
Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, số lượng tin rao bất động sản mới ở Manhattan - khu trung tâm sầm uất nhất New York - đã giảm 85% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng hợp đồng được ký cũng giảm 85%, theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty phân tích thị trường bất động sản GS Data Services.
Trong khi đó, giá chỉ giảm một chút đối với các bất động sản để đầu tư, còn giá nhà ở cho người có nhu cầu thực hầu như không thay đổi.
Kyle Egan, nhân viên môi giới tại công ty bất động sản Douglas Elliman, cho biết một số môi giới có thể chốt được những giao dịch mà họ đã bắt đầu chăm sóc khách từ trước khi đại dịch bùng nổ. Tuy nhiên, tìm kiếm và chốt được giao dịch mới trong bối cảnh giãn cách xã hội và các quy định yêu cầu người dân ở nhà đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
|
Các hoạt động kinh doanh như bán lẻ, dịch vụ ăn uống, làm đẹp ở khu trung tâm New York đã phải đóng cửa vì dịch suốt nhiều tháng lại tiếp tục lao đao trước các cuộc biểu tình quá khích. Ảnh: Alison Wright/Zuma Press |
Doanh số ảm đạm, không đạt chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự ở một số công ty bất động sản. Ông Okada chia sẻ: “Suốt 10 năm qua, chúng tôi liên tục tập trung vào việc mở rộng kinh doanh. Nhiều công ty như chúng tôi đã tăng gấp đôi, gấp ba về quy mô nhân sự. Bây giờ, điều ngược lại đang xảy ra. Chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân sự để đảm bảo duy trì hoạt động."
Niềm tin còn đó
Mặc dù tình hình kinh doanh không mấy khả quan, cả Okada, Leung và Wahler đều lạc quan rằng khi giai đoạn 2 của việc mở cửa trở lại New York bắt đầu, lượng tin rao sẽ tăng, thị trường sẽ khôi phục với những tín hiệu tích cực. Họ đều đồng ý ngành công nghiệp bất động sản sẽ phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Những tiến bộ công nghệ như thực tế ảo được ứng dụng vào quy trình mua nhà mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hữu ích giữa thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch.
Wahler nói: "Tôi cho rằng các buổi trình diễn ảo hay các chuyến tham quan dự án ảo mà môi giới bất động sản chia sẻ với khách hàng tiềm năng đều là những công cụ hỗ trợ tuyệt vời. Tuy nhiên, để thuyết phục họ ký hợp đồng, môi giới sẽ phải sáng tạo và linh hoạt hơn nữa."
Katharine Lau, Giám đốc cao cấp của Công ty bất động sản Industrious, cho biết bà nhận thấy một sự thay đổi trên thị trường văn phòng cho thuê. Các công ty quy mô lớn đang có xu hướng chuyển đến các không gian văn phòng linh hoạt hơn.
Vốn chỉ hoạt động ở Manhattan, công ty của ông Okada đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Brooklyn, Queens và Long Island vì dự đoán nhiều người sẽ tìm nhà và văn phòng cách xa các thành phố đông đúc trong thời gian tới. Ông Okada cho biết: "Chiến lược đầu tư của chúng tôi đã chuyển từ phân khúc bất động sản thương mại cao cấp sang nhà ở cho tầng lớp trung lưu.”
Diana Guo, một môi giới khác của công ty Douglas Elliman, tiết lộ: “Người mua hiện đang ưu tiên không gian ngoài trời nhưng phải đảm bảo tính riêng tư, các không gian sống và tiện nghi cũng thay đổi theo hướng giảm tương tác xã hội như phòng tập thể dục tại nhà, sân thượng và không gian văn phòng riêng biệt.”
Zachary J. Dranove, nhân viên kinh doanh tại công ty Keller Williams Midtown Direct, cho biết gần đây anh đã bán thành công một ngôi nhà ở Nam Orange, New Jersey chỉ trong vòng một tuần cho một gia đình trẻ mong muốn nhanh chóng thoát khỏi thành phố.
Tuy vậy, bất chấp thị trường bất động sản ở New York đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi “đòn kép” đại dịch và các cuộc biểu tình, các đại lý, môi giới bất động sản vẫn kiên trì bám trụ với công việc của họ.
Garrett Derderian, người sáng lập GS Data Services, chỉ ra: “Trong quá khứ, người ta đã dự đoán sự suy thoái của thị trường thương mại sau mỗi thảm họa như khủng bố 9/11, suy thoái kinh tế toàn cầu, cơn bão Sandy,… Nhưng New York luôn hồi phục. Những sự kiện tiêu cực có thể khiến một số người muốn chuyển đến các vùng ngoại ô, nhưng sau cùng, New York vẫn luôn là mơ ước của ai đó và vì thế, thị trường này sẽ luôn có cách tái tạo lại chính mình. Về lâu dài, tôi vẫn đặt cược vào New York."
Liên Hương
>> Người Mỹ ngày càng khó mua được nhà
>> 10 thành phố có tỷ lệ nhà giá triệu USD cao nhất nước Mỹ