Giá bất động sản không ngừng tăng cao khiến nhiều người Hồng Kông rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi tìm nhà ở. Thậm chí, họ còn xem xét tới việc sống trong các căn hộ "ma ám".
Bloomberg cho biết, theo kết quả khảo sát mới đây của hãng bất động sản REA, trong bối cảnh giá thuê và mua nhà quá cao, không ít người dân tại Hồng Kông cân nhắc sống trong những căn hộ "ma ám". REA đã phỏng vấn trên 1.000 người dân đặc khu này, trong đó có tới hơn 50% số người khẳng định rằng, họ sẵn sàng mua căn hộ "ma ám".
Việc sống trong các căn nhà bị "ma ám" đối với người Hồng Kông trước đây là điều cực kỳ tối kỵ. "Nhà ma" tại Hồng Kông chính là nơi từng xảy ra các vụ giết người, tự tử hoặc thiệt mạng bởi tai nạn.
|
Giá thuê và mua nhà tại Hồng Kông đang ở mức quá cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân. (Ảnh: Getty Images) |
So với các căn nhà bình thường khác ở cùng khu vực, giá bán "nhà ma" thường thấp hơn từ 20-30%. Thế nhưng, việc sống trong các căn hộ "ma ám" hiện không còn là điều quá đáng sợ với người Hồng Kông khi căn hộ 1 phòng ngủ khu trung tâm có giá thuê lên tới 2.200 USD mỗi tháng.
Vấn đề nhà ở tại Hồng Kông được xem là một cuộc khủng hoảng kéo dài. Reuters cho hay, để mua được căn hộ 60m2 tại khu vực trung tâm thành phố, một người lao động lành nghề cần miệt mài làm việc trong vòng 20 năm mới đủ tiền.
Mặt khác, khảo sát của Knight Frank cũng chỉ rõ, trong tổng số 1,85 triệu cư dân Hồng Kông, chỉ có khoảng 20% đủ tiền mua một căn hộ tầm trung với giá bình quân 1 triệu USD.
|
Không gian sống bên trong một căn hộ "ma ám". (Ảnh: Reuters) |
Theo thông tin từ Business Insider, năm 2017 có khoảng 200.000 người Hồng Kông phải sống trong các căn hộ "quan tài" rộng 6m2. Điều đáng nói là, giá thuê khởi điểm của loại căn hộ này vào khoảng 180 USD/tháng.
Đặc khu kinh tế Hồng Kông tính đến thời điểm đầu năm 2019 vẫn là một trong những đô thị có giá nhà đắt đỏ nhất toàn cầu trong 9 năm liền. Tại Hồng Kông, trung bình cứ 5 người thì có 1 người đang sống dưới mức nghèo khổ.
Việc cân nhắc sống trong các căn hộ "ma ám" đối với người Hồng Kông không phải là cách duy nhất để khắc phục vấn đề giá mua nhà, giá thuê nhà vượt quá khả năng chi trả của họ. Không ít người vô gia cư đã tới ngủ nhờ tại các cửa hàng McDonald’s mở cửa 24/7 và họ được gọi là "McRefugees" (người tị nạn ở McDonald’s).