Cushman & Wakefield cho biết, các thị trường khu vực trung tâm của Châu Âu như Ba Lan, Séc, Slovakia, Hungary và Romania đã đạt 1,3 tỷ Euro (1,4 tỷ USD) khối lượng đầu tư trong quý I/2015.
Tuy khối lượng đầu tư này bằng so với cùng kì năm trước, nhưng nhiều nhà đầu tư ở đây tỏ ra khá lạc quan về việc khối lượng đầu tư vào khu vực sẽ tăng nhanh và vượt qua mức năm 2014.
Theo Trưởng bộ phận thị trường vốn Cushman & Wakefield James Chapman, thị trường Trung tâm Châu Âu sẽ tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư, Ba Lan là thị trường dẫn đầu. Trong thời gian tới, bất động sản tại các đô thị loại 2 của Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia sẽ có sức hút khá lớn. Sự tăng trưởng được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó, thị trường bán lẻ là rõ nhất.
Bất động sản trung tâm Châu Âu hút nhà đầu tư.
Trong quý I/2015, thị trường được đánh giá có hoạt động giao dịch sôi động nhất là Ba Lan với 12 giao dịch. Song, khối lượng giao dịch trung bình chỉ đạt 430 triệu euro, giảm tới 52% so với cùng kì năm 2014. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Griffin Real Estate đã mua lại thành công Green Horizon với giá 65 triệu euro.
Cộng hòa Séc được ghi nhận là đất nước thu hút được lượng đầu tư cao nhất trong quý I với 800 triệu euro, tăng 228% so với cùng kì năm 2014, trong đó, ngành bán lẻ và công nghiệp là 2 lĩnh vực chiếm nhiều nhất số vốn đầu tư. Tiếp theo là Hungary với lượng đầu tư đạt 44 triệu euro, thứ 3 là Romania với 29 triệu euro.
Trong quý I/2015, thị trường bán lẻ thu hút được đông đảo nhà đầu tư với tổng giá trị giao dịch đạt được là 762 triệu euro, tăng 66% so với cùng kì năm 2014, thứ 2 là bất động sản công nghiệp với tổng đầu tư là 382 triệu euro, tăng 200% so với cùng kì năm trước. Còn phân khúc văn phòng lại chỉ đạt ở mức 147 triệu euro, giảm đến 80% so với cùng kì năm ngoái.
Theo dự đoán của ông James Chapman, năm 2015, khối lượng đầu tư vào các thị trường trung tâm Châu Âu sẽ đạt 7,5 tỷ euro, trong đó, bất động sản thương mại được kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ euro trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, Ba Lan là thị trường sẽ chiếm đến một nửa số vốn đầu tư đó, kế đến là Cộng hòa Séc với 25%, tiếp theo là Hungary, Romania và Slovakia.
Nhà đầu tư đến từ các nước Anh, Pháp và Đức cũng đang dịch chuyển xu hướng đầu tư dần về khu trung tâm Châu Âu, bởi, thực tế, giá bất động sản ở một số thành phố lớn đang khá cao nhưng những diện tích chất lượng lại bị thiếu hụt. Đồng thời, GDP tại các khu trung tâm của Châu Âu đã tăng, dẫn đến sức chi của người dân cũng nhiều hơn, vì vậy, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ hội sở hữu được những khối bất động sản chất lượng mà giá cả lại phải chăng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang bị thu hút bở các khu vực trung tâm công nghệ.
Tính trong vòng 7 năm qua, hiện dòng tiền đầu tư vào các nước thuộc khu vực trung tâm Châu Âu đang được ghi nhận là lớn nhất và có sức hấp dẫn không kém gì so với các thị trường khu vực Bắc Mỹ. Dự báo, khu vực trung tâm châu Âu sẽ vẫn tiếp tục thu hút được vốn đầu tư trong năm 2015 và 2016.