Theo thông tin từ Jones Lang LaSalle, trong quý II/2017, giới đầu tư châu Á đã bỏ ra 19,5 tỷ USD để đầu tư bất động sản liên khu vực. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 71%.
Trung Quốc chiếm vị trí thứ ba trên toàn thế giới về dòng vốn chảy vào
bất động sản. (Ảnh: Shutterstock)
Đơn vị này cho biết, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu các quốc gia châu Á về chi tiêu xuyên biên giới, đạt 6,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, bất chấp sự siết chặt trong chính sách đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ. David Green Morgan, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn toàn cầu của JLL nhận định, những hạn chế về vốn khiến đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Theo đó, giới đầu tư trong nước sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường nội địa.
Chuyên gia của JLL cho rằng, nếu muốn huy động nguồn vốn vượt trội, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ trở thành nhóm người sở hữu mới của các bất động sản hiện hữu. Do giá bất động sản tại các đô thị loại 1 gia tăng, hiện các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến các thành phố loại 2, những nơi có bất động sản bán lẻ và hậu cần tốt hơn cũng như khả năng chuyển đổi linh hoạt như từ không gian văn phòng hay khách sạn thành các căn hộ dịch vụ.
Những ngân hàng thương mại lớn tại Hong Kong và Trung Quốc đã chi 4,9 tỷ USD cho bất động sản. Trong khi đó, ngân hàng Singapore dành 4,1 tỷ USD, ngân hàng Hàn Quốc dành 1,9 tỷ USD và Nhật Bản là 1,6 tỷ USD.
Sau Đức và Anh, Trung Quốc giữ vị trí thứ ba trên toàn thế giới về dòng vốn chảy vào địa ốc. Đức và Anh nhận được dòng vốn đầu tư bất động sản lớn nhất từ châu Á với số vốn lần lượt là 6 tỷ USD và 2 tỷ USD. Phân khúc thu hút được dòng vốn đầu tư lớn nhất vẫn là bất động sản văn phòng, theo sau là bất động sản công nghiệp.