Không chỉ điều tiết ánh sáng cho không gian trong nhà, nhiều loại rèm ngày nay còn được thiết kế với chức năng trang trí, làm điểm nhấn tạo phong cách, thậm chí người ta chọn rèm như một vách ngăn nhẹ giúp tách biệt không gian một cách mềm mại.
Không chỉ điều tiết ánh sáng cho không gian trong nhà, nhiều loại rèm ngày nay còn được thiết kế với chức năng trang trí, làm điểm nhấn tạo phong cách, thậm chí người ta chọn rèm như một vách ngăn nhẹ giúp tách biệt không gian một cách mềm mại.
Có rất nhiều chất liệu khác nhau cho rèm, như cotton, voan, polyester, lụa, tơ, trúc, kim loại... Nếu không có kinh nghiệm thì bạn đừng vội quyết định kiểu dáng và chất liệu để tránh trường hợp khi đặt may xong rồi mới nhận ra chúng không “ăn nhập” chút nào với không gian nhà bạn.
Theo các chuyên gia trang trí nội thất, loại rèm bằng vải bóng mượt, mềm mịn như nhung, gấm, đũi, lụa, voan... một màu hoặc mang hoa văn, họa tiết chìm, trang nhã rất dễ đẹp cho bất kì không gian phòng khách. Ngược lại, những loại vải bề mặt thô ráp cho cảm giác thân mật, gần gũi thiên nhiên nhưng lại kén không gian, kiểu rèm có chất liệu vải bạt, bố, thổ cẩm này chỉ hợp với không gian có đồ nội thất bằng chất liệu mây tre, gỗ mộc.
Rèm mỏng sẽ giúp căn phòng có nhiều ánh sáng, khiến phòng như rộng hơn, đồng thời tiết kiệm điện. Nó phù hợp cho phòng khách, phòng đọc sách, phòng làm việc tại nhà. Tuy nhiên, với phòng ngủ, những cánh rèm mỏng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn khi ánh sáng vẫn lọt vào. Một gợi ý cho bạn là có thể làm rèm nhiều lớp. Một lớp voan mỏng dành cho buổi sáng, và một lớp vải dày để bạn có đủ độ “tối” khi cần. Ngoài ra, nếu phòng ở hướng Đông hoặc Tây, nơi luôn có nhiều ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào thì những tấm rèm dày, màu tối hoặc vải dày có tác dụng cản sáng sẽ rất thích hợp.
Khi làm rèm cửa phải chú ý đến vẻ đẹp từ phía ngoài nhìn vào lẫn từ phía trong nhìn ra. Và khi đã có một cánh rèm đẹp, bạn cũng nên chăm chút cho những phần phụ khác của rèm như thanh treo rèm (có thể bằng gỗ hoặc inox), các chi tiết đính vào rèm, vòng dập, dây buộc…
Với dây buộc rèm, có thể dùng dây tua, ruy băng, dây bện hay tết dạng thừng. Rèm nặng bằng chất liệu dày và tối màu thì dây buộc nên đơn giản, trơn, thanh mảnh. Rèm mỏng nhẹ, rèm chỉ một lớp và ít nếp gấp thì dây buộc cần to bản, có thể “cầu kỳ” một chút với núm tua, nơ hay chuỗi hạt trang trí.
(Theo SSM)