Các Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 13 tỉnh vừa được Chính phủ ban hành.
Cụ thể, Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 13 tỉnh gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai.
Theo yêu cầu của Chính phủ, UBND 13 tỉnh nói trên cần xác định ranh giới cũng như công khai diện tích đất trồng lúa và bảo vệ nghiêm ngặt loại đất này. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương này cần điều tiết phân bổ nguồn lực mà trước hết là ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo lợi ích giữa các khu vực bảo vệ đất rừng, đất trồng lúa với những khu vực có điều kiện phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, để người trồng lúa có thể yên tâm sản xuất, các tỉnh cần có những biện pháp, chính sách phù hợp nhằm gia tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội cần được tăng cường đầu tư, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các khu vực.
|
Chính phủ vừa ban hành các nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại 13 tỉnh.(Ảnh minh họa, nguồn: baochhinhphu.vn) |
Tài nguyên đất tại 13 tỉnh trên cần được quản lý và sử dụng đúng theo kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực được dự tính sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tập trung cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách cần được thực hiện chặt chẽ hơn.
Đồng thời, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương cũng cần được đẩy mạnh hơn. Chính quyền 13 tỉnh cần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã cho thuê hoặc đất đã giao cho người dân sử dụng và khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.
Nội dung các nghị quyết trên nêu rõ, để sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả cũng như khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội với đất ở, các địa phương cần tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để phát triển khu kinh tế, đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Ngoài ra, 13 tỉnh này cần tăng cường việc kiểm tra, thanh tra quá trình sử dụng, quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Những vi phạm trong việc thực hiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Đối với những trường hợp có trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương kiên quyết không giải quyết cho thuê đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, những trường hợp đã được cho thuê đất, giao đất nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng cần được kiểm tra và xử lý thỏa đáng.