Vài năm trở lại đây, hỏa hoạn xảy ra tại các tòa nhà cao tầng, đặc biệt ở
các tòa nhà mới xây không còn là chuyện hiếm gặp khiến nhiều người dân
sống trong các khu chung cư nơm nớp lo sợ.
Vài năm trở lại đây, hỏa hoạn xảy ra tại các tòa nhà cao tầng, đặc biệt ở các tòa nhà mới xây không còn là chuyện hiếm gặp khiến nhiều người dân sống trong các khu chung cư nơm nớp lo sợ.
Vì sao các tòa nhà này đều được lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy và hệ thống này vẫn còn mới tinh mà gần như vô dụng trong mỗi vụ hỏa hoạn?
Hệ thống báo cháy, chữa cháy để làm cảnh!
Sau hàng loạt vụ hoả hoạn xảy ra ở chung cư cao tầng, đã có một thời kỳ ban quản lý của nhiều khu chung cư thường xuyên phải báo động cháy giả để kiểm tra hệ thống báo cháy và chữa cháy của toà nhà. Điều đáng giật mình là khi báo động, hệ thống báo cháy tại một số khu chung cư mới lại không hoạt động.
Đi tìm hiểu vấn đề này, PV được anh Nguyễn Tuấn Thành, Giám đốc kinh doanh Công ty Thương mại và dịch vụ IPCA, đơn vị chuyên kinh doanh và lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy nhà cao tầng cho biết: "Chi phí lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tại một toà cao ốc có khi lên đến cả triệu USD, còn với một toà nhà văn phòng mini cũng mất cả tỷ đồng. Vì vậy, để tiết giảm chi phí, nhiều chủ đầu tư không tuân thủ theo đúng yêu cầu của cơ quan phòng cháy chữa cháy".
Theo anh Thành phân tích, nhiều chủ đầu tư cao ốc chung cư, với quan niệm bán xong là hết trách nhiệm, để tối đa hóa lợi nhuận, thường tìm kiếm những nhà thầu lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy có giá rẻ nhất mà không quan tâm đến chất lượng do nhà thầu cung cấp. Và để hoàn thành công trình với giá rẻ mà vẫn đảm bảo có lãi cao, các nhà thầu này phải đưa vào sản phẩm kém chất lượng. Chẳng hạn, thay vì lắp thiết bị báo cháy, chữa cháy chế tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, đơn vị thi công đưa vào lắp đặt thiết bị của Trung Quốc hay Malaysia với giá rẻ bằng một nửa hay 1/4; hoặc thay vì lắp 4 đơn vị cảm biến nhiệt và cảm biến khói trên một đơn vị diện tích, đơn vị thi công chỉ lắp đặt 1 - 2 đơn vị cảm biến. Việc thay đổi xuất xứ thiết bị cộng với làm ăn gian dối của nhiều đơn vị thi công khiến chi phí lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tại nhiều toà cao ốc bị "ăn bớt" tới 50% giá trị so sới việc lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn. Vì thế, việc báo cháy tại nhiều toà cao ốc hiện nay hầu như không có mấy tác dụng.
Ông Nguyễn Đức Năng, Giám đốc CTCP Bình An, DN chuyên kinh doanh và lắp đặt các hệ thống báo cháy và chữa cháy tại các cao ốc từ năm 1990 (từng thi công lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tại nhiều dự án nổi tiếng, như Khách sạn Nikko Hà Nội, Khách sạn Horison, Nhà Hát Lớn…) cũng thừa nhận tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ các quy chuẩn về lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy để tiết giảm chi phí tại các cao ốc diễn ra rất phổ biến. Ông Năng cho biết, tại nhiều toà chung cư hiện đại mới xây gần đây, người ta lắp đặt các đầu cảm biến nhiệt thay cho các đầu cảm biến khói. Đây là một hình thức ăn bớt trắng trợn, vì đầu cảm biến nhiệt chỉ rẻ bằng 1/3 đầu cảm biến khói và chỉ phát ra tín hiệu cảnh báo khi nhiệt độ trong phòng đã rất cao, nghĩa là đã xảy ra cháy lớn. Và nếu lắp đặt cảm biến nhiệt thì hệ thống cảnh báo cháy hầu như chỉ để làm cảnh, để đối phó với cơ quan chức năng!
Nguy hiểm khôn lường
Vụ hoả hoạn tại toà tháp đôi đang trong quá trình hoàn thiện của EVN tại Hà Nội mới đây, khi hàng chục công nhân đang làm việc tại tầng cao hoảng loạn, có người phải đập cửa kính chui ra ngoài khiến người ta không khỏi giật mình sợ hãi khi nghĩ đến các vụ cháy chung cư cao tầng có thể xảy ra trong nay mai.
Ông Năng cho biết, theo tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế, hệ thống báo cháy phải lắp 2 lớp, gồm một lớp trên vách trần và một lớp phía dưới. Thế nhưng, tại Việt Nam, để tiết giảm chi phí, hệ thống báo cháy chỉ được lắp đặt bên dưới, trong khi lớp bên trên vách trần với hệ thống dây điện các loại rất dễ chập cháy lại không có hệ thống cảnh báo. Mặt khác, do thiết bị báo cháy không đúng tiêu chuẩn quy định khiến hệ thống cảnh báo cháy không hoạt động bình thường.
Ông Năng cho biết, hiện phần lớn toà cao ốc, đặc biệt là cao ốc chung cư được trang bị hệ thống chữa cháy vách tường, hoàn toàn phụ thuộc vào con người, trong khi hệ thống cảnh báo cháy không hiệu quả. Nếu hoả hoạn xảy ra, việc phát hiện ra cháy sẽ là quá muộn nên hệ quả để lại là khôn lường. Đấy là chưa kể tại phần lớn chung cư hiện nay, chủ đầu tư chỉ chú trọng lắp hệ thống báo cháy ngoài hành lang, trong khi khu vực dễ xảy ra cháy nhất là trong nhà dân lại không có hoặc không được chú trọng nên việc cảnh báo cháy tại các cao ốc chung cư cũng không mấy hiệu quả.
Để ngăn ngừa các vụ hoả hoạn tại các cao ốc vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức sinh hoạt của người dân chứ không phải hệ thống cảnh báo cháy. Thế nhưng, nếu có sự bất cẩn của một ai đó thì hậu quả của việc hệ thống báo cháy không thực hiện chức năng cảnh báo sớm sẽ để lại hậu quả vô cùng khủng khiếp.
(Theo ĐTCK)