Bản đồ huyện Củ Chi TPHCM và các thông tin quy hoạch mới nhất là những thông tin mà người có nhu cầu tìm mua nhà, nhu cầu định cư, đầu tư lâu dài tại huyện Củ Chi quan tâm, tìm hiểu.
Bản đồ huyện Củ Chi và những thông tin quy hoạch huyện Củ Chi đến năm 2030 mà Dothi.net chia sẻ trong bài viết này được tổng hợp từ các nguồn chính thống, đáng tin cậy. Bạn đọc có thể xem đây là kênh tham khảo khi có nhu cầu tìm hiểu về bản đồ quy hoạch huyện Củ Chi.
1. Tổng Quan Huyện Củ Chi
Huyện Củ Chi trong quy hoạch TPHCM đóng vai trò là một trong những đô thị vệ tinh ở phía Tây Bắc của TP. Với vị trí địa lý chiến lược và hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng hiện đại, huyện được định hướng phát triển lên quận hoặc TP trực thuộc TPHCM trong tương lai.
Trước khi tìm hiểu các loại bản đồ huyện Củ Chi như bản đồ quy hoạch huyện Củ Chi đến năm 2030, bản đồ hành chính huyện Củ Chi, bản đồ giao thông huyện Củ Chi, bản đồ quy hoạch huyện Củ Chi, bạn đọc nên có cái nhìn tổng quan về huyện này.
Vị Trí Địa Lý Huyện Củ Chi
Theo Bản đồ huyện Củ Chi, huyện tọa lạc ở phía Tây Bắc TPHCM, cách trung tâm TP khoảng 33km. Vị trí địa lý của huyện khá đặc biệt với sông Sài Gòn chảy qua phía Đông huyện tạo thành một đoạn ranh giới giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương. Phạm vi ranh giới của huyện Củ Chi được giới hạn cụ thể như sau:
-
Phía Bắc huyện Củ Chi giáp thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với sông Sài Gòn là ranh giới.
-
Phía Nam huyện Củ Chi giáp huyện Hóc Môn, TPHCM và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
-
Phía Đông huyện Củ Chi giáp Thành phố Thuận An và Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, sông Sài Gòn là ranh giới.
-
Phía Tây huyện Củ Chi giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
|
Huyện Củ Chi trên bản đồ vệ tinh |
Địa hình - Khí Hậu
Địa hình huyện Củ Chi có độ cao khoảng từ 8 - 10m so với mặt nước biển. Độ cao địa hình giảm dần theo hai hướng Đông Bắc - Tây Nam và Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài sông Sài Gòn chảy qua phía Đông, huyện Củ Chi còn có hệ thống kênh, rạch, sông phong phú và chịu ảnh hưởng xâm thực của thủy triều.
Huyện Củ Chi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với hai mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nền nhiệt trung bình năm khoảng 26 - 27 độ C và tương đối ổn định.
Giao Thông
Mạng lưới giao thông huyện Củ Chi khá dày đặc và tương đối hoàn thiện. Toàn huyện có tổng cộng khoảng hơn 2.100 tuyến đường và hơn 200 tuyến hẻm, chiều dài lên tới 1.434km. Một số trục đường huyết mạch như Quốc lộ 22, các tỉnh lộ 7, 8, 9, 15... đảm bảo lưu thông thuận lợi trên địa bàn quận và kết nối với trung tâm TPHCM. Đặc biệt, huyện có đường Xuyên Á nối với Campuchia qua cửa khẩu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh) thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế.
Kinh Tế Huyện Củ Chi
Kinh tế huyện Củ Chi đa dạng về loại hình, ngành nghề, phát triển cả về công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Điển hình là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi quy mô 387 ha đã và đang thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đạt tỷ lệ thuê đất tới 98% (tương đường 137 ha). Bên cạnh đó, các khu công nghiệp khác như Tân Phú Trung, Đông Nam, Cơ khí ô tô thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như Bella Vista City, Bến Thành - Tây Bắc, Thiên Phú Garden... mang lại diện mạo đô thị hiện đại cho huyện.
Y Tế
Hệ thống y tế tại huyện Củ Chi được đầu tư chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Huyện có Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Xuyên Á, 20 trạm y tế và hơn 250 phòng khám tư nhân.
Giáo Dục
Toàn huyện có khoảng 41 trường mầm non, 37 trường tiểu học, 18 trường THCS, 7 trường THPT và một số trường trung cấp như Trường trung cấp Bách Khoa Sài Gòn, Trường trung cấp Nghề Củ Chi. Ở tất cả các cấp, tỷ lệ học sinh đến trường duy trì ở mức rất tốt, từ 90 - 100%.
|
Co sở hạ tầng huyện Củ Chi đã và đang được đầu tư, dần hoàn thiện. |
2. Bản Đồ Huyện Củ Chi Và Một Số Địa Danh Du Lịch Nổi Tiếng
Trên bản đồ huyện Củ Chi nổi bật một số địa danh du lịch nổi tiếng như địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược, nông trại Green Noen, Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ... thu hút du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.
Đền Bến Dược
Đền Bến Dược là nơi tưởng niệm những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nơi đây có khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi (1961 - 1972), xem Sa bàn, phim 3D mô phỏng diễn biến đánh bại trận càn Cedar Falls vào vùng Tam Giác Sắt Củ Chi. Cùng với đó, bạn sẽ được tham quan các mô hình trải nghiệm thú vị như đan lát, cấy lúa, xay lúa, bắt cá, giã gạo, thực hành nghề làm bánh tráng truyền thống của Củ Chi.
Địa Đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là một trong những địa đạo lớn và nổi tiếng nhất Việt Nam. Đây là hệ thống phòng thủ trong lòng đất với các đường đi ngoắt ngoéo, tựa như xương sống tỏa ra vô số nhánh dài. Địa đạo giúp quân dân ta che chắn được đạn pháo kẻ thù, có thể chịu được cả sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Đến với địa đạo Củ Chi, bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị như tìm hiểu về hệ thống địa đạo hơn 200km dưới lòng đất, xem các thước phim tư liệu quý, thưởng thức món ăn của du kích năm xưa - khoai mì chấm muối đậu....
|
Địa đạo Củ Chi, một địa danh nổi tiếng trên bản đồ huyện Củ Chi. |
Nông Trại Xanh Củ Chi Green Noen
Tọa lạc tại 816/18 Nguyễn Thị Rành, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM, nông trại xanh Green Noen được thành lập vào năm 2010 theo mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, lấy ý tưởng từ những trang trại xanh ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nông trại có các khu chuyên biệt, gồm 33 nhà trồng nấm, 4 khu chăn nuôi và hơn 3ha trồng rau, hoa lan Mokara.
Nông trại xanh Củ Chi là địa điểm vui chơi, du lịch trải nghiệm lý tưởng cho những ai muốn khám phá khung cảnh thôn quê bình dị, mộc mạc, hòa mình vào thiên nhiên xanh mát. Đến đây, bạn được tận mắt nhìn thấy những chú dê con đang nhởn nhơ gặm cỏ, những vườn rau xanh mướt, vườn cây trái trĩu quả, những ngôi làng xì trum trong truyền thuyết... Bên cạnh đó còn có những hoạt động trải nghiệm thú vị khác như chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch, bơi lội...
Công Viên Nước Củ Chi
Được xây dựng trên địa bàn xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, công viên nước Củ Chi cách trung tâm TPHCM khoảng 50km. Công viên rộng 8 ha, được bao quanh bởi dòng sông, những cánh đồng và con kênh. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm về một ốc đảo xanh mát với nhiều trò chơi dưới nước thú vị, vườn bách thú rộng thoáng, đa dạng về chủng loại. Khung cảnh nơi đây mang lại cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, bình yên, gần gũi với làng quê, sông nước.
Làng Sinh Thái Fosaco
Làng sinh thái Fosaco tọa lạc tại ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM khoảng 10km. Fosaco được ví là "Tây Nguyên xanh giữa lòng Sài Gòn" với kiến trúc vườn thiên nhiên đậm chất Tây Nguyên. Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu về nền các văn hóa, bản sắc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Các công trình kiến trúc trong làng sinh thái được làm bằng gỗ, nứa, trúc, tre tạo cảm giác yên bình, gần gũi với thiên nhiên.
Khu Du Lịch Sinh Thái Bình Mỹ
Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ TP HCM tọa lạc tại ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM khoảng 18km. Với tổng diện tích 4 ha, bên trong khu sinh thái được người dân kết hợp canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy hải sản. Đến với Khu du lịch ven sông Bình Mỹ, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát và tham gia nhiều dịch vụ giải trí hấp dẫn như chèo thuyền, thử làm nông dân, tát đìa bắt cá, bơi xuồng gỗ,...
3. Các Loại Bản Đồ Huyện Củ Chi TPHCM
Dưới đây, Dothi.net cập nhật những thông tin mới nhất về bản đồ huyện Củ Chi, bản đồ quy hoạch huyện Củ Chi về hành chính, giao thông, sử dụng đất, phát triển không gian, đô thị đến năm 2030.
Bản Đồ Hành Chính Huyện Củ Chi
Huyện Củ Chi có diện tích 434,77km2, quy mô dân số theo số liệu điều tra năm 2019 là 462.047 người, mật độ dân số đạt 1.063 người/km2. Hiện tại, huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Củ Chi và 20 xã:
An Nhơn Tây, An Phú, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Trung An, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng.
Mỗi xã và thị trấn thuộc huyện Củ Chi đều có khu hành chính riêng cùng các công trình phúc lợi thiết yếu tại các vị trí trung tâm của các khu dân cư trên địa bàn huyện. UBND huyện Củ Chi hiện đặt tại Khu phố 7, thị trấn Củ Chi.
|
Bản đồ hành chính huyện Củ Chi |
Bản Đồ Quy Hoạch Huyện Củ Chi
Bản đồ quy hoạch Củ Chi giai đoạn 2021 - 2030 gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi và 20 xã) nêu trên. Chức năng, tính chất quy hoạch huyện Củ Chi:
-
Khu dân cư đô thị hóa, khu dân cư nông thôn góp phần vào việc thực hiện giãn dân của khu vực nội thành cũ, đồng thời phân bố lại dân cư trên địa bàn TPHCM.
-
Trung tâm công cộng cấp thành phố trong khu đô thị Tây Bắc (thương mại, dịch vụ, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi kết hợp du lịch).
-
Khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô lớn.
-
Huyện Củ Chi là cửa ngõ quốc tế, đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
|
Bản đồ quy hoạch huyện Củ Chi |
- Quy hoạch phát triển khu công nghiệp
Trên địa bàn huyện Củ Chi quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung như sau:
-
KCN Tân Quy quy mô 300 ha thuộc một phần xã Trung An, Hòa Phú, Tân Thạnh Đông. Đây là KCN thông thường, ít ô nhiễm về khói bụi và tiếng ồn.
-
KCN Tây Bắc huyện lỵ Củ Chi quy mô 345 ha, tọa lạc gần khu dân cư thị trấn huyện lỵ thuộc xã Tân An Hội và Trung Lập Hạ. Đây là KCN nhẹ, không gây ô nhiễm nguồn nước.
-
KCN An Phú quy mô 50 ha thuộc địa phận xã An Phú. Theo quy hoạch được duyệt, đây là KCN chế biến lương thực, thực phẩm.
-
KCN Tân Phú Trung quy mô 200 ha, thuộc xã Tân Phú Trung với tính chất là KCN thông thường, không gây ô nhiễm nặng về nguồn nước.
-
KCN Bàu Đưng quy mô 150 ha thuộc ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây. Đây là KCN cơ khí, gia công chế biến.
-
KCN Rạch Sơn quy mô 100 ha thuộc xã Nhuận Đức. Đây là KCN khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
-
KCN phục vụ chăn nuôi quy mô 300 ha, thuộc xã Phạm Văn Cội. Đây là KCN phục vụ chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm.
- Quy hoạch trung tâm thương mại dịch vụ
Huyện Củ Chi tiếp tục phát triển các công trình thương mại, dịch vụ tại các khu đô thị trên địa bàn huyện. Về cơ bản, huyện sẽ tận dụng các cơ sở dịch vụ, thương mại hiện hữu, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
- Quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị
Đối với khu vực đô thị, huyện Củ Chi quy hoạch 10 khu đô thị tập trung sau:
-
Thị trấn An Nhơn Tây quy mô khoảng 350 ha, dự kiến dân số 35.000 người. Tọa lạc ở ngã tư Tỉnh lộ 7 - Tỉnh lộ 15 xã An Nhơn Tây. Mật độ xây dựng từ 25 - 30%.
-
Khu dân cư thị trấn Củ Chi với diện tích khoảng 1.200 ha, dự kiến dân số 180.000 người. Vị trí được xác định theo ranh hành chính thị trấn Củ Chi hiện nay và một phần thuộc xã Phước Vĩnh An, Tân Thông Hội, Tân An Hội. Mật độ xây dựng 25 - 30%.
-
Thị trấn Tân Quy diện tích 500 ha, dự kiến dân số 60.000 người. Tọa lạc ở ngã tư 15 và Tỉnh lộ 8. Mật độ xây dựng từ 20 - 25%.
-
Thị trấn Phước Thạnh quy mô diện tích khoảng 300 ha, dự kiến dân số 35.000 người. Tọa lạc ở khu vực ngã tư Tỉnh lộ 7 - Tỉnh lộ 15 xã Phước Thạnh. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị trấn Phú Hòa Đông quy mô diện tích 300 ha, dự kiến dân số 40.000 người. Vị trí ở xã Phú Hòa Đông. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị trấn Trung Lập quy mô diện tích 300 ha, dự kiến dân số 35.000 người. Vị trí tại xã Trung Lập Thượng. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị tứ Tân Thạnh Đông quy mô diện tích 150 ha; dự kiến dân số 15.000 người. Vị trí tại ngã ba Hương lộ 4 và Tỉnh lộ 15 thuộc xã Tân Thạnh Đông. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị tứ Tân Phú Trung diện tích 500 ha, dự kiến dân số 60.000 người. Vị trí kế cận KCN Tân Phú Trung. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị tứ Tam Tân quy mô diện tích 200 ha; dự kiến dân số 20.000 người. Vị trí tại khu vực kênh Xáng - Tỉnh lộ 8. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
-
Thị tứ Bàu Đưng quy mô diện tích khoảng 200 ha; dự kiến dân số 20.000 người. Thuộc ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, gần KCN Bàu Đưng. Mật độ xây dựng 20 - 25%.
Đối với khu dân cư nông thôn, huyện Củ Chi quy hoạch như sau:
-
Dự kiến diện tích đất khu dân cư nông thôn là 1.800 ha; quy mô dân số 200.000 người. Mật độ xây dựng thưa thoáng, gắn với vườn ruộng - đất sản xuất nông nghiệp.
-
Chủ yếu cải tạo mở rộng các điểm dân cư nông thôn hiện hữu, với quy mô tương đối phù hợp từ 200 hộ trở lên. Quy hoạch mỗi xã có từ 5 - 7 điểm dân cư; toàn huyện có từ 100 - 120 điểm dân cư.
|
Bản đồ định hướng phát triển không gian huyện Củ Chi |
- Quy hoạch trung tâm hành chính huyện và công trình công cộng
Các công trình công cộng tại khu trung tâm hành chính huyện Củ Chi được quy hoạch như sau:
-
Khu trung tâm huyện vị trí như hiện hữu (Tỉnh lộ 8 - Quốc lộ 22) gồm khu hành chính, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, công viên với quy mô diện tích 30 - 40 ha. Mật độ xây dựng từ 20 - 30%.
-
Nâng cấp 2 bệnh viện hiện có, xây thêm 2 bệnh viện huyện lỵ và Tân Quy với quy mô 500 - 600 giường.
-
Trường THPT được bố trí tại thị trấn huyện lỵ, các thị trấn, thị tứ khác quy mô khoảng 3 ha/trường.
-
Bố trí các trung tâm công cộng cấp thị trấn, cấp xã tại trung tâm các điểm dân cư quy mô 5 - 10 ha.
- Quy hoạch công viên cây xanh công cộng
Quy hoạch công viên cây xanh và các công trình công cộng được huyện Củ Chi thực hiện trong kỳ quy hoạch như sau:
-
Khu công viên văn hóa Huyện lỵ 15 ha.
-
Tại các thị trấn thị tứ thiết lập hệ thống cây xanh công cộng tập trung như công viên quy mô 5 ha – 10 ha.
-
Khu công viên cây xanh du lịch nghỉ ngơi kết hợp rừng lịch sử, công trình truyền thống và khu vui chơi gồm: Khu Bến Dược – Hố Bò: quy mô 200h; Khu địa đạo Bến Đình: quy mô 150 ha; Khu địa đạo Tân Phú Trung: quy mô 150 ha.
-
Khu vườn cây ăn trái dọc sông Sài Gòn, kết hợp du lịch nghỉ ngơi tại xã Trung An, Hòa Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Mỹ Hưng quy mô khoảng 3.300 ha.
-
Bảo tồn rừng nhiệt đới lịch sử ở vùng đồi gò phía Bắc huyện quy mô khoảng 500 ha.
Bản Đồ Sử Dụng Đất Huyện Củ Chi
Theo Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Củ Chi, diện tích các loại đất được quy hoạch như sau:
STT |
Loại đất |
Diện tích |
1 |
Diện tích đất tự nhiên |
43.496,58 ha |
2 |
Đất nông nghiệp |
25.979,77 ha |
3 |
Đất phi nông nghiệp |
17.516,81 ha |
4 |
Đất ở đô thị |
1.718,96 ha |
5 |
Đất cơ sở sản xuất kinh doanh |
769,82 ha |
6 |
Đất khu công nghiệp |
2.017,84 ha |
7 |
Đất suối, sông,... |
1.428,8 ha |
8 |
Đất xử lý chất thải |
342,09 ha |
Quy hoạch một số khu đất khác:
|
Bản đồ sử dụng đất huyện Củ Chi |
Bản Đồ Giao Thông Huyện Củ Chi
Huyện Củ Chi chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm để thay đổi diện mạo của huyện, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn TPHCM nói chung. Quy hoạch giao thông huyện Củ Chi theo hướng cải tạo mở rộng lộ giới đúng quy định kết hợp xây mới một số tuyến đường tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
- Đường bộ
-
Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên thị trấn, liên xã kết hợp xây dựng mới các đường liên khu vực, các trục đường chính dựa trên cơ sở các tuyến đường chính hiện có.
-
Cải tạo, xây mới các nút giao thông tại các vị trí giao cắt giữa các trục đường đối ngoại như Quốc lộ 22, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4,... đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
-
Hầm chui An Sương gồm 2 nhánh hầm N1 (dài 445m, đoạn hầm kín 125m; tĩnh không cao 4,75m; hầm hở ở phía Trường Chinh dài 140m) và hầm N2 (dài là 385m, đoạn hầm kín 125m, hầm hở dài 120m, tĩnh không cao là 4,75m).
-
Mở rộng Tỉnh lộ 9 với lộ giới mở rộng đường là 30m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và vỉa hè.
-
Mở rộng Quốc lộ 22 với tổng chiều dài lên đến 20km, quy mô 4 làn có dải phân cách hiện hữu ở giữa. Mở rộng phần mặt cắt ngang tuyến đường với quy mô 120m, kết hợp bố trí đường trên cao là 17,50m chiều rộng quy mô 4 làn xe, bố trí thêm phần đường dành cho xe buýt và đường trên cao.
- Đường sắt
-
Quy hoạch tuyến metro số 2 Thủ Thiêm - Bến Thành - Tham Lương nối dài đến khu đô thị Tây Bắc và đi qua địa bàn huyện Củ Chi theo hành lang Quốc lộ 22.
-
Quy hoạch tuyến đường sắt liên đô thị TPHCM - Mộc Bài kết nối ga Tân Chánh Hiệp theo hành lang của cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
- Giao thông công cộng
Hệ thống giao thông công cộng đi qua địa bàn huyện Củ Chi chủ yếu sử dụng 2 loại hình: Xe buýt và tuyến đường sắt đô thị - liên đô thị. Các tuyến buýt đi qua địa bàn huyện Củ Chi gồm:
- 100 Bến xe Củ Chi - Cầu Tân Thái
- 107 Bến xe Củ Chi - Bố Heo
- 122 Bến xe An Sương - Tân Duy
- 126 Bến xe Củ Chi - Bình Mỹ
- Bến bãi
Huyện Củ Chi quy hoạch hệ thống bến bãi với tổng diện tích 7,5 ha. Huyện sẽ có cảng trung tâm logistics tại xã Bình Mỹ quy mô 17 ha, kết nối các tỉnh lộ 8, 9 và Quốc lộ 22 với Tây Ninh, Long An, Bình Dương. Một số vị trí bến bãi sẽ được hoán đổi để phù hợp nhất với thực tế sử dụng đất trên địa bàn nhưng vẫn đảm bảo được diện tích theo quy hoạch.
Trên đây là các loại bản đồ huyện Củ Chi và thông tin quy hoạch giao thông, hạ tầng, đô thị huyện Củ Chi đến năm 2030. Đây là những thông tin hữu ích đối với những ai đang có nhu cầu tìm mua nhà đất Củ Chi để ở hoặc đầu tư dài hạn. Với thông tin quy hoạch lên thành phố trực thuộc TPHCM và các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Mộc Bài - TPHCM, đường khép kín Vành đai 3, dự án đường ven sông, thị trường bất động sản Củ Chi hiện khá sôi động, nhất là phân khúc đất nền.
Sau dịch Covid-19, đất nền huyện Củ Chi tại nhiều vị trí đã thiết lập mặt bằng giá mới, có nơi tăng gấp rưỡi so với trước đó. Giá đất nền tăng cao nhất tại các xã Nhuận Đức, Hòa Phú, Bình Mỹ, Trung An - nơi gần khu công nghiệp, kết nối giao thông thuận lợi với các huyện khác của TPHCM và tỉnh Bình Dương. Đất nền Củ Chi được cho là có tiềm năng tăng giá bền vững. Tuy nhiên, trước khi rót tiền, nhà đầu tư cần tỉnh táo để chọn được khu đất có pháp lý hoàn thiện, tránh "tiền mất tật mang".
Lam Giang (TH)
Xem thêm:
>> Đất Củ Chi, Hóc Môn giảm "sốt", giá vẫn neo cao
>> Tổng quan về huyện Củ Chi
>> Tổng Quan Về Huyện Bình Chánh - Tiềm Năng Bất Động Sản Cửa Ngõ Phía Tây