Sau niềm vui chiến thắng của Vịnh Hạ Long,cộng đồng dư luận giật mình với những thông tin trái chiều về câu chuyện bầu chọn như một vụ Scandal Quốc tế
Chuyên gia nước ngoài đánh giá về vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long đã trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới
Nhìn lại hành trình bình chọn Vịnh Hạ Long: những hình ảnh đẹp
Ngày 11-11-2011 hành trình bình chọn đã khép lại. Sáng sớm 12-11, Tổ chức New Open World đã công bố vịnh Hạ Long của Việt Nam là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Trong danh sách này, ngoài vịnh Hạ Long còn có các địa danh : rừng Amazon, thác Iguazu, đảo Jeju, đảo Komodo, sông ngầm Puerto Princese và Table Mountain.
Theo New Open World, tổ chức này vẫn tiếp tục tính toán kết quả bầu chọn và danh sách cuối cùng sẽ được công bố vào đầu năm 2012. Kết quả cuối cùng sẽ có thể sẽ thay đổi vị trí giữa các ứng viên thậm chí cả tên của ứng viên. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu có sự thay đổi?
Nhìn lại một chặng đường bình chọn cho Vịnh Hạ Long
Top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới cuối cùng là kết quả bầu chọn từ danh sách ban đầu lập ra năm 2007 (với 440 kỳ quan từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu) dẫn đến danh sách rút gọn vào 2009 và danh sách ‘chung kết’ gồm 28 kỳ quan.
Cuộc bình chọn này được phát động từ ngày 17-7-2007 trên toàn thế giới. Ngành du lịch Việt Nam đặt kỳ vọng rất lớn vào việc vịnh Hạ Long trở thành 1 trong những kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, coi đó như lực đẩy để tiếp tục quảng bá cho vịnh Hạ Long cũng như thu hút du khách đến với Việt Nam.
Gần 4 năm qua, đặc biệt là trong vòng một năm cuối cùng, cuộc bình chọn đã không chỉ là công việc của ngành du lịch với hàng loạt cuộc kêu gọi bình chọn bằng tin nhắn, trên trang web của New Open World và trên mạng xã hội đã diễn ra trên khách cả nước với sự tham gia của Chính phủ, Quốc hội, nhiều Bộ, ban, ngành.
Hành trình bình chọn cho Vịnh Hạ Long cũng có những bước thăng trầm trong suốt 4 năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu chọn do New7Wonders khởi xướng chỉ mang tính cá nhân, không có nhiều giá trị. Đây là Website của một tổ chức tư nhân, không phải của một dự án của một Chính phủ hay Tổ chức uy tín nào trên thế giới.
Trong thời gian gần đây, tính minh bạch về tài chính của tổ chức này cũng bị nhiều ý kiến nghi ngờ. Với tiêu chí phi lợi nhuận nhưng chỉ ước tính, lợi nhuận của New7Wonders đã lến tới con số khủng khiếp. Từ việc thu phí của các địa danh tham gia, thu phí các website khác muốn sử dụng các nội dung về các thắng cảnh bình chọn, nguồn thu từ tài trợ, từ các Cty Dich vụ viễn thông cho phí SMS và vote call, bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm....
Trả lời về khoản “lợi nhuận” khổng lồ, từ 3 năm trước, Báo Sachsen (Đức) dẫn lời N7W tuyên bố: "Chúng tôi cam kết sẽ dùng 50% tiền lãi thu được để đầu tư vào việc tu bổ 7 kỳ quan thế giới mới và một số công trình khác". Khi được hỏi 50% số lãi còn lại sẽ được dùng vào việc gì, N7W im lặng. Chưa kể, đã 3 năm trôi qua nhưng khoản tiền tu bổ mà N7W hứa vẫn chưa có danh lam nào được hưởng.
Trong thông cáo báo chí của UNESCO ngày 9 tháng 7 năm 2007, tổ chức này phát ngôn: "Mặc dù UNESCO đã được mời để hỗ trợ tổ chức sự kiện này, tuy nhiên sau khi xem xét nhiều khía cạnh, UNESCO quyết định không hợp tác.Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.".
Nagib Amin - Một Chuyên gia Ai Cập về Di sản thế giới phát biểu: "Ngoài khía cạnh thương mại, lá phiếu không có cơ sở khoa học". Điều này không hẳn không có lí khi N7W không có được những tiêu chí cụ thể, dựa hoàn toàn vào lượng bình chọn nên vừa khó có cơ sở khoa học chính xác, vừa bầu chọn mang cảm tính. Nhẩm tính, nếu một nước đông dân như Trung Quốc cũng phát động tham gia bình chọn thì các danh lam của họ khó có thể lọt ra ngoài top.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội UNESCO Việt Nam đã bày tỏ quan điểm sau quá nhiều ý kiến tham vấn: Thứ nhất, nhà tổ chức sự kiện này là New Open World Corporation. Bản thân tên gọi đã cho thấy đó không phải là một tổ chức quốc tế (organization). Đó là một công ty (corporation), công ty tư nhân. Khác với các tổ chức và cơ chế quốc tế có uy tín, có thẩm quyền đối với các vấn đề quốc tế về văn hoá thông qua hệ thống công pháp quốc tế như UNESCO (ra đời năm 1946, hiện có 191 quốc gia thành viên), ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về các công trình kiến trúc và thắng cảnh, thành lập từ 1964 với hệ thống trên 7.500 chuyên gia hàng đầu thế giới về các công trình văn hoá), Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên (ra đời năm 1972, với 185 quốc gia chính thức phê chuẩn, đến 3-2008 đã có công xếp hạng 851 kỳ quan quốc gia thành di sản mang tính toàn nhân loại, trong đó có Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha, Hội An)… thì ngược lại NOWC được thành lập theo sáng kiến của một cá nhân. Bản thân công ty này không công bố tôn chỉ, cũng không đưa ra được bất kỳ một tiêu chí nào về lịch sử, văn hoá hoặc khoa học nhằm định hướng cho cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới mà họ đang chủ trì.
Thứ hai, thông qua cuộc bầu chọn với quy mô quốc tế rầm rộ, công ty này đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ các hoạt động thông tin và truyền thông. Do đó NOWC đã bị một bộ phận dư luận quốc tế chỉ trích và tỏ thái độ nghi ngờ về mục đích trong sáng trong việc phát động các cuộc bình chọn theo lối bỏ phiếu qua mạng và bằng điện thoai di động, là cách làm thường thấy của các công ty quảng cáo hiện nay.
Thứ ba, UNESCO và Liên Hợp quốc không liên quan và không có bất kỳ động thái ủng hộ nào đối với NOWC. Ngược lại, UNESCO đã bày tỏ sự lo âu về sự khiếm khuyết tính khoa học và hiệu lực quốc tế của cuộc bình chọn này. Dư luận quốc tế cũng lo ngại rằng một tổ chức dám đưa những giá trị thiêng liêng của các quốc gia để xếp hạng mà chỉ dựa vào sự áp đảo của số đông sẽ gây bất lợi về mặt quan hệ quốc tế, thiệt thòi cho các quốc gia có dân số nhỏ bé và không có nền tin học - truyền thông phát triển.
Ngay sau khi kết thúc bầu chọn 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, tổ chức New7Wonders đã ra mắt ngay bình chọn 7 thành phố kỳ quan mới của thế giới (New7Wonders Cities). Liệu một cuộc chạy đua mới lại bắt đầu và sẽ có một phong trào bỏ phiếu cho Hà Nội, Hội An, Huế...?
Nhìn ra Quốc tế: Từ không tham gia, đến rút lui...
Nhiều nước trên thế giới không tỏ ra mặn mà với cuộc bình chọn 7 Kỳ quan thiên nhiên mới này. Chính phủ các nước này không cấm người dân bình chọn nhưng cũng không phát động bình chọn mà chỉ xem đây như một hoạt động bình chọn tự do thông thường.
Khi cuộc bình chọn bước vào những tháng nước rút, người ta ngỡ ngàng với sự kiện Maldives quyết định rút lui. Sau khi đơn phương rút khỏi cuộc thi New7Wonders, Maldives đã công khai nguyên nhân và cho rằng tổ chức New7Wonders đã yêu cầu các gói tài trợ để "cạnh tranh không phù hợp" và "làm mất ý nghĩa của cuộc thi".
Phát biểu được đưa lên trang web Visitmaldives.com, ông Thoyyib Mohamed, bộ trưởng Bộ Du lịch – Văn hóa – Nghệ thuật Maldives cho biết: “Chúng tôi rút từ khỏi cuộc thi vì những yêu cầu “đột xuất” về tài chính từ tổ chức New7Wonders. Chúng tôi nhận thấy tiếp tục tham gia không còn là cách tốt nhất cho kinh tế của Maldives”.
Maldives ban đầu đồng ý tham gia cuộc thi New7Wonders vào đầu năm 2009 và chấp nhận trả một khoản phí quản lý tham gia là 199 $. Tuy nhiên, các điều khoản, sáng kiến kèm theo chi phí leo thang không được vạch ra rõ ràng trước khi ký kết.
Gần đây, các nhà tổ chức New7Wonders đã nhiều lần yêu cầu Maldives phải trả một lượng tiền rất lớn bao gồm:
- Gói Tài trợ Platinum phí 350.000 đô la Mỹ.
- Gói tài trợ Vàng lệ phí 210.000 đô la Mỹ.
- Đài thọ sự kiện "World Tour", trong đó Maldives sẽ trả toàn bộ chi phí cho một phái đoàn đến thăm đất nước, cung cấp khinh khí cầu khí nóng, chi phí báo chí, vé máy bay, ăn ở, thông tin liên lạc…
- 1.000.000 đô la Mỹ để cho một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc gia để tham gia trong New7Wonders chiến dịch, sau đó giảm xuống còn 500.000 đô la Mỹ.
- 1.000.000 đô la Mỹ để cho một hãng hàng không Maldives để hiển thị biểu tượng trên máy bay.
Maldives không chấp nhận yêu cầu này và tuyên bố quyết định rút lui cuộc thi và có hiệu lực tháng 5/2011.
Dư luận nghi ngại liệu các Quốc gia khác trong đó có Việt Nam có phải nhận những đề nghị tương tự?
Không chỉ ở Việt nam
Cần ghi nhận rằng cơn sốt tranh đua không chỉ diễn ra ở Việt Nam.
Tổng thống hai nước láng giềng Indonesia và Philippines - cả hai nước cũng đều đã kêu gọi dân chúng bỏ phiếu.
Tại Ba Lan, tổng thống Bronisław Komorowski và hai cựu tổng thống, Lech Walesa và Aleksander Kwaśniewski, đã gặp chủ tịch của New7Wonders để vận động cho vùng hồ Masurian của Ba Lan. Báo Ba Lan cũng đưa tin Giáo hoàng Benedict XVI ủng hộ vùng hồ Masurian trong cuộc đua này.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myungbak bỏ phiếu và kêu gọi người dân ủng hộ Đảo Jeju...
Và những địa danh chiến thắng đa phần đều ở các Quốc gia có chiến dịch vận động bình chọn rộng khắp trong toàn dân.
Kì vọng những cái được...
Việt Nam đẩy mạnh phong trào bầu chọn Vịnh Hạ Long với lý do đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, phát triển du lịch Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Với chiến thắng (theo kết quả sơ bộ) trong cuộc bình chọn này, bỏ lại những điều còn thiếu thỏa đáng, Hạ Long đã thực sự có được một chiến lược quảng bá hình ảnh tốt. Vấn đề tiếp sau là bảo tồn và phát triển danh thắng Hạ Long như thế nào, phát huy tiềm lực du lịch của Hạ Long ra sao để bước lên tầm cao mới. Đó chắc chắn không phải công việc mà chỉ cần bình chọn mà làm được.
Nguyễn Mạnh