Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Nhiều người tại đây hôm qua có thể được xem một clip về vấn đề sử dụng phôi sổ đỏ giả. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả.
Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, mất 483 chiếc có serie. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.
Phải nói rằng quy định về vấn đề này hiện nay khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.Về việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật”.
Liên quan đến câu hỏi của ông Phan Văn Thùy ở Vinh Nghệ An về việc Nghị định 84, Điều 21 quy định trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này, nhưng ở nhiều địa phương các cơ quan không thực hiện theo đúng điều này, được uỷ quyền của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê Trần Hùng Phi cho biết, "Điều 21 Nghị định 84 quy định, tất cả các trường hợp phát hiện cấp quyền sử dụng đất có nghi vấn cần chuyển qua cho cơ quan thanh tra làm rõ, cấp có thẩm quyền sẽ thu hồi và thực hiện theo đúng quy định. Trường hợp đã có kiến nghị, đã thông báo nhưng cơ quan Nhà nước không thực hiện, thì người dân nên thực hiện quyền công dân là làm đơn khiếu nại, tố cáo tới cơ quan Nhà nước".
Cũng tại cuộc đối thoại, đã có ý kiến chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về việc cán bộ địa chính đã lùng mua đất nông nghiệp, đất rau xanh, sau đó tìm cách làm sổ đỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bộc bạch: “Vấn đề một số cán bộ nơi này nơi khác, làm công tác địa chính liên quan đến việc mua đất của dân để sau đó lợi dụng công việc, trách nhiệm của mình có thể làm chuyển sổ đỏ, từ đó kiếm lời, tôi cho là việc làm trái pháp luật. Pháp luật đã quy định, xử lý theo điều 141, 144 của Luật đất đai".
Nhân câu hỏi này, Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh thành, đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai cần có cơ chế, quy chế kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ mình.
“Việc này có thể thông qua các sở, phòng địa chính, như rà lại các sổ đỏ liên quan đến 1 văn phòng cấp giấy, chúng ta có thể kiểm tra được, gắn với đó là kiểm tra đội ngũ của chúng ta. Tôi cho đây là việc rất cần thiết. Ngoài ra có thể các việc khác nữa, hiện nay trong dư luận cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn phổ biến. Hôm nay tôi cũng muốn nêu ra với các địa phương và đặc biệt đối với những cán bộ làm công tác này - công tác liên quan đến vấn đề đất đai, các cơ quan quản lý liên quan có trách nhiệm kiểm tra và giám sát chặt chẽ để xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.