Sự phát triển và biến động không ngừng của kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu về thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn tới. Đặc biệt, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp cần có hướng đầu tư phát triển.
Phát triển nhà ở xã hội cần linh hoạt theo sự phát triển kinh tế - xã hội
Cần sự đồng bộ về chính sách
Các chuyên gia cho rằng, để chính sách đối với NƠXH được ban hành đồng bộ, mang lại hiệu quả thực thi cao, cần có sự thống nhất trong việc xây dựng cơ chế giữa các bộ, ngành. Cơ chế, chính sách chủ đạo phải được sự đồng thuận, nhất trí cao của cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và cơ chế nguồn vốn ưu đãi.
Bộ Xây dựng phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển NƠXH. Những cơ chế, chính sách này phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, nhất là với khả năng chi trả của những đối tượng như công nhân KCN, người có thu nhập thấp ở đô thị. Các cơ chế này phải khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư theo đó cần bổ sung các chương trình NƠXH vào danh mục các chương trình được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ này cần tham mưu cho Chính phủ bố trí đủ vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại bố trí nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH.
Bộ Tài chính trong thời gian tới cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà. Bộ này cần khuyến khích hình thành một số định chế để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn như Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS... Bộ Tài chính cũng nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các DN sử dụng nhiều lao động tại các KCN, có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các DN đó.
Ngân hàng Nhà nước theo đó cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng... NNNN cũng chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại được chỉ định thực hiện cho vay ưu đãi NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP khẩn trương lập kế hoạch cụ thể vốn cấp bù lãi suất từ NSNN gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện lập kế hoạch cụ thể vốn cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định gửi Bộ KH&ĐT.
Có quy hoạch NƠXH rõ ràng, cụ thể
Theo Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, để chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, các tỉnh thành cần xây dựng, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Các địa phương phải đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Quy hoạch đô thị cần được rà soát. Nhất thiết phải có quy hoạch NƠXH khi quy hoạch các khu đô thị mới, KCN mới, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong và ngoài các dự án phải có quy hoạch NƠXH, nhất là tại các khu vực có đông công nhân, người lao động. Nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu, công trái nhà ở để đầu tư phát triển nhất thiết phải có quy hoạch NƠXH cho công nhân các KCN, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Các địa phương phải có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tham gia phát triển NƠXH trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để DN và người dân tích cực tham gia phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê.