Trong những ngày gần đây, phần lớn các phòng công chứng đã dừng việc tiếp nhận hồ sơ về ủy quyền công chứng đối với hợp đồng góp vốn đầu tư.
Trong những ngày gần đây, phần lớn các phòng công chứng đã dừng việc tiếp nhận hồ sơ về ủy quyền công chứng đối với hợp đồng góp vốn đầu tư.
Sự thay đổi này bắt nguồn từ những quy định mới trong Nghị định 71/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật nhà ở có hiệu lực kể từ ngày 8/8/2010.
Khoản 6 Điều 63 của Nghị định 71 quy định, đối với loại hợp đồng ủy quyền bán, cho thuê nhà ở phải có công chứng hoặc chứng thực. Các bên chỉ được ký kết hợp đồng ủy quyền và cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực chỉ được thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng ủy quyền khi nhà ở đã được xây dựng xong.
Trên thực tế, trước những thay đổi từ Nghị định, một số phòng công chứng đã chuyển sang cho phép công chứng ủy quyền trong hợp đồng góp vốn quyền trong phạm vi người được ủy quyền có thể làm các thủ tục hành chính, song không có quyền định đoạt tài sản. Về mặt pháp lý thì việc công chứng này sẽ không cho phép chuyển nhượng hợp đồng góp vốn. Nhiều chuyên gia nhận định, việc này sẽ hạn chế các nhà đầu tư ngắn hạn chủ yếu hưởng các khoản chênh lệch từ giao dịch chuyển nhượng sang tên hợp đồng thông qua ủy quyền công chứng.
Ngoài ra, việc thắt chặt chuyển nhượng trong giai đoạn góp vốn cũng được thể hiện tại Điều 60 của Nghị định. Theo đó, đối với tối đa 20% sản phẩm nhà ở không phải qua sàn, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo về số lượng, địa chỉ nhà ở, loại nhà ở kèm theo danh sách tên, địa chỉ các đối tượng được phân chia lên Sở Xây dựng.
Theo các chủ đầu tư, chính những khó khăn trên khiến cho việc đầu tư BĐS sẽ thu hẹp lại trong thời gian tới.
(Theo DĐDN)