Đê trọng yếu sông Đuống bị đe dọa nghiêm trọng do hàng chục tàu hút cát ngày đêm hoành hành, Hà Nội đang thực sự bị mùa mưa lớn đe dọa
Đê trọng yếu sông Đuống bị đe dọa nghiêm trọng do hàng chục tàu hút cát ngày đêm hoành hành, Hà Nội đang thực sự bị mùa mưa lớn đe dọa.
Cát tặc bủa vây Thủ đô
Sông Đuống chảy qua địa phận các xã Kim Sơn, Lệ Chi, Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có chiều dài vài km, thế nhưng, nhiều năm qua, nó bị hàng trăm tàu hút cát hoành hành.
Từ chùa Sen Hồ chạy dọc sống đê sông Đuống, xuôi theo mạn Thuận Thành (Bắc Ninh) gần một cây số, vài ba chục tàu hút cát cùng neo đậu dọc sông, mật độ dày đặc, mỗi chiếc neo cách nhau chừng vài chục mét.
“Không thể xử lý!”
Đội tàu cát tặc hoành hành tại khúc sông Đuống của các xã Lệ Chi, Trung Mầu, Phù Đổng, Kim Sơn… vài năm nay.
Thế nhưng, cái khó của chính quyền sở tại trong việc “đánh đuổi” dân làm cát trộm ra khỏi địa bàn của mình, khó khăn như việc bắt cóc thả đĩa: “Chúng ở dưới sông, mình đứng trên bờ, đuổi chỗ này họ dạt chỗ khác, nhưng chỉ vài ngày sau, khi tình hình đã lắng, họ lại quay trở lại…” – ông Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch xã Lệ Chi ái ngại.
Theo ông Thiệu, địa phương đã rất gắt gao và làm hết trách nhiệm: tháng 8/2010, cán bộ nhân dân báo cáo lên xã về việc dọc tuyến sông từ khu vực bờ ổ các thôn Chi Đông, Chi Nam chạy đến các vị trí xứ đồng Tám Thước và Trưng III bị đội tàu hút cát hoành hành.
Tàu cát làm dữ dội tới mức, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn m3 đất bãi bồi của Lệ Chi bị sạt lở. Vùng quê bị đảo lộn vì ô nhiễm tiếng ồn…
Người dân hai thôn Chi Đông, Chi Nam (ở ngoài đê) đã nhiều lần tập hợp đứng trên bờ đuổi đám tàu hút cát, thanh niên trai tráng lấy gạch ném… Đám tàu hút cát tháo chạy sang bên kia (mạn xã Phù Đổng) rồi cắm vòi hút sang mé bên này. Dân xã Lệ Chi chỉ còn biết nuốt cục tức không đặng!
Xã báo cáo lên huyện. Chính quyền Gia Lâm chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành chốt giữ tại điếm canh đê Sen Hồ cả chục ngày trời, gồm đủ các ban bệ: công an huyện Gia Lâm, Sở Nông nghiệp Hà Nội, Chi cục Quản lý đê điều HN, cảnh sát đường thủy HN…
Đoàn công tác làm gắt gao, nhưng cũng chỉ ngăn chặn được thời gian ngắn. Đội tàu hút cát rút đi, đợi tình hình tạm lắng lại quay trở lại.
Phó chủ tịch xã Lệ Chi, ông Nguyễn Văn Chuẩn ngao ngán: “Chúng tôi không có phương tiện để đuổi họ đi được. Công an huyện xuống vây bắt cũng chỉ thuê thuyền đánh cá của dân, vì không có xuồng máy. Đuổi rồi, cùng lắm là phạt hành chính vì không có thẩm quyền thu giữ phương tiện, mà có giữ cũng không có chỗ để, không có người coi giữ. Thành thử, chủ phương tiện bị phạt chục triệu, hai chục triệu, họ lại cật lực hút cát ngày đêm để… thu hồi lại vốn!”.
Ông Chuẩn cho hay: những tàu hút cát trộm tại đoạn sông Đuống gây đe dọa đến đê trọng yếu hầu hết là người ngoại tỉnh, họ có truyền thống và thâm niên hút cát nhiều năm trời. Những tàu hút cát này trước đó làm ăn trên mạn ngược, khai thác cát vàng để đổ mối cho các bãi thu mua, bị các tỉnh vùng trên làm gắt quá, họ quay xuống vùng hạ lưu để khai thác cát đen, cát sông.
Oái oăm một điều, mỗi tàu hút cát gắn với một gia đình gồm cả vợ chồng con cái, họ cứ lênh đênh nay đây mai đó, chiếc tàu vừa là phương tiện khai thác cát, vừa gắn liền với cuộc sống của họ, thành thử, chính quyền sở tại có muốn thu giữ tang vật cũng phải lo chỗ ở tạm cho gia đình họ.
Quãng năm 2008, Lệ Chi cho một đơn vị tư nhân khai thác một bãi cát nổi theo hình thức thuê bãi, được vài năm thì bãi bồi mất, còn gây sạt lở lan sang khu bãi bồi liền kề. Hậu quả nhãn tiền là đe dọa cuộc sống người dân, đến diện tích bờ bãi, xã liền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Các chủ thầu chuyển địa bàn sang xã Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu… thuê bãi làm điểm tập kết, thu mua cát từ các tàu khai thác cát trái phép. Có bến, có nơi thu mua, các tàu khai thác cát càng làm tợn, bất kể đêm ngày.
“Một khối cát đen bán tại bãi là 40.000đ/khối. Một tàu hút cát tải trọng hàng trăm tấn, mỗi ngày hút cát liên tục cũng được hai tàu đầy, tính rẻ, ngày công của họ cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Cứ cắm vòi hút xuống sông là có tiền, nên dù có đuổi gắt đến mấy, họ lại chạy sang khúc sông khác làm cát… Chúng tôi cũng bất lực chứ biết làm sao?” – một người dân trung tuổi thôn Chi Đông ngao ngán.
Điệp khúc chịu thua cát tắc liệu cứ sẽ tái diễn mãi?
(Theo VietNamNet)