Hà Nội vừa có đề
án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học để đưa
vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn nhiều di sản văn hóa trước nguy cơ mai một, Hà Nội vừa có đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Sở VHTTDL Hà Nội sẽ dành ưu tiên cho các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, trong tình trạng phải bảo vệ khẩn cấp, như: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trên địa bàn, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống…
Những di sản ấy trong quá trình thực hiện sẽ được nhận diện, xác định giá trị, số hóa tư liệu. Và dựa trên kết quả tổng kiểm kê, các cơ quan quản lý có thể nhận biết thực trạng, sự phân bố của di sản văn hóa phi vật thể theo từng vùng, từng địa phương, từ đó có tác động đến mỗi di sản.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện đề án kéo dài trong 2 năm (2013-2014), với nguồn kinh phí dự kiến là hơn 13 tỷ đồng.
Để thực hiện một cách hiệu quả đề án này, bên cạnh số liệu điều tra mang tính định lượng, các điều tra mang tính định tính như: Ghi chép về hình thái văn hóa phi vật thể, phỏng vấn sâu về nguyên nhân, thực trạng, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể... sẽ là công cụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, là căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu, là cơ sở khoa học để hoạch định chính sách về di sản văn hóa phi vật thể.
Được biết, Hà Nội sau khi mở rộng có 5.175 di tích, chiếm số lượng nhiều nhất cả nước. Số di tích đã xếp hạng chiếm tới 42,65% (2.209 di tích), trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và 82 bia tiến sĩ triều Lê-Mạc ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám; 3 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu khác.
Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Hà Nội đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, trong đó nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm hơn 30%. Tuy nhiên trong bối cảnh, nhiều di sản đang trong tình trạng xuống cấp như chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, hay Làng cổ Đường Lâm... đặt ra cho Thủ đô Hà Nội nhiệm vụ to lớn trong việc bảo tồn các di sản văn hóa
Theo Chinhphu.vn