Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2018. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng và tiếp tục siết chặt tín dụng vào bất động sản.
Trong những tháng còn lại của năm 2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, các cơ quan và địa phương không được chủ quan, phải bám sát yêu cầu cũng như tình hình thực tế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi thường xuyên, sát sao diễn biến trong nước và quốc tế, có giải pháp với các lĩnh vực còn dư địa. Mặt khác, các bộ này cần phải phối hợp điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, linh hoạt, ứng phó tốt nhất trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Qua đó, kiểm soát tốt lạm phát và góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo điều hành giá được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu. Khi thị trường có biến động cần xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
|
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng và hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, ngân hàng cần kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu những năm 2016-2020.
Chính phủ giao Bộ Tài chính nhiệm vụ quản lý chặt ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, thực hiện, quyết toán, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước. Mặt khác, Bộ cần tập trung chống nợ đọng thuế, thất thu thuế, chống chuyển giá và phối hợp với các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. Cũng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính cần điều hành chi chặt chẽ, chống lãng phí, đặc biệt là chi hội họp, mua sắm tài sản công, phấn đấu giảm bội chi ngân sách dưới mức 3,7%/GDP. Bên cạnh đó, Bộ cần chủ động phát hành trái phiếu Chính phủ đa dạng kênh huy động, kỳ hạn phù hợp với yêu cầu giải ngân, thanh toán cũng như diễn biến của thị trường; áp dụng phổ biến hóa đơn thuế điện tử. Bộ Tài chính cần tập trung cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; đẩy mạnh việc kiểm tra, quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả.