Hàng loạt chủ đầu tư nhà thu nhập thấp đang gặp khó khăn bởi
thiếu vốn cũng như không có người mua.
Hàng loạt chủ đầu tư nhà thu nhập thấp đang gặp khó khăn bởi thiếu vốn cũng như không có người mua.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 6 dự án nhà cho người thu nhập thấp bốc thăm, ký hợp đồng mua bán, với tổng cộng 3.750 căn hộ. Trong đó, dự án Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, một số dự án như Đặng Xá (Gia Lâm) có gần 1.000 căn hộ, nhưng mới ký hợp đồng mua bán 650 căn; Sài Đồng (Long Biên) do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư, có 420 căn, mới ký hợp đồng 314 căn. Trong khi cũng dự án Sài Đồng do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư có 420 căn, mới ký hợp đồng 280 căn.
Tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, mới chỉ xây xong một tòa nhà 6 tầng, còn lại 4 tòa chưa triển khai. Bất cập của dự án là ở giữa cánh đồng, trường học, siêu thị hiện mới đang rậm rịch triển khai nên mới chỉ thu hút được khoảng 70% lượng công nhân vào ở.
Trong khi các dự án còn lại mới ở hình thức đăng ký, lập quy hoạch, dự án đầu tư… Hầu hết ý kiến cho rằng, với mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân, nếu không có cơ chế hỗ trợ mạnh, nhà đầu tư sẽ rất dè dặt.
Từ năm 2011 đến 2015 dự kiến phát triển 1,6 triệu m2 nhà ở cho công nhân thuê, nhưng đến nay doanh nghiệp mới chỉ đăng ký được hơn 536.000 m2, đạt 33,5%.
Ông Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty quản lý và phát triển Nhà Hà Nội chia biết, dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua. Tuy nhiên chủ đầu tư đang sống dở chết dở vì chưa thu hồi được vốn.
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chia sẻ, chủ đầu tư bỏ tiền tỷ nhưng chỉ thu lợi nhuận tiền lẻ. Người lao động cũng không muốn vào nhà cho công nhân ở vì cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, bà Tô Thị Hạnh, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội cho rằng, mấu chốt vấn đề là cần phải đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn thuế, cho vay ưu đãi từ 80% hoặc có thể lên đến 100% thay vì 70% như hiện nay.
Ông Vũ Ngọc Đạm, trưởng phòng phát triển Nhà, Sở Xây dựng kiến nghị, để thu hút doanh nghiệp tham gia, thành phố cần bố trí một nguồn kinh phí để xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân thuê, và hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát từng dự án, khối lượng công việc, tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện… cùng với tiến độ huy động vốn từ khách hàng, 20% vốn theo quy định nhà đầu tư phải có mới xem xét cho vay ưu đãi. Cơ chế ưu tiên nhà đầu tư nhưng phải bảo đảm quy định chặt chẽ. Các cơ quan liên quan rà soát từng dự án xem vướng mắc ở chỗ nào, phát sinh vấn đề gì từ đó tháo gỡ.
Công Học