Hà Nội mới trải qua trận mưa đầu mùa với lượng mưa không cao nhưng đã xuất hiện nhiều điểm ngập. Trong khi đó, dự báo tình hình mưa lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp.
Hà Nội mới trải qua trận mưa đầu mùa với lượng mưa không cao nhưng đã xuất hiện nhiều điểm ngập cục bộ. Trong khi đó, dự báo tình hình mưa lũ năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đem đến những lo ngại về nguy cơ úng ngập dù mỗi năm, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho tiêu thoát nước.
Mưa to vẫn lo ngập phố
Trận mưa lớn diễn ra vào sáng 7/5 vừa qua, dù lượng mưa đo được không lớn như ở Vân Hồ là 38mm; Đồng Bông 15mm; Yên Sở 30mm; Thanh Liệt 34mm; Hồ Tây 16mm…. song nhiều nơi đã ngập. Nhiều điểm ngập sâu, kéo dài như phố Thợ Nhuộm nước ngập ngấp nghé đến cửa nhà, đường Nguyễn Xiển - Thanh Xuân ngập kéo dài cả kilômét gây ách tắc giao thông. Theo lý giải, dù lượng mưa không lớn nhưng mưa dồn dập, một số điểm lại chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước nên gây ra úng ngập.
Ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm nay Trạm bơm Yên Sở vận hành với công suất 90m3/s, 18 trạm bơm cục bộ sẵn sàng hoạt động 24/24h theo công suất thiết kế, nên với những trận mưa hơn 50mm, các trục chính của thành phố cơ bản không có điểm úng ngập. Tuy nhiên, với những trận mưa lớn hơn 100mm, khoảng 21 điểm trên một số tuyến phố nội đô, có khả năng bị úng ngập. Hệ thống sông, kênh mương, cống thoát nước của thành phố dù được cải tạo, trong đó một số hạng mục thuộc dự án thoát nước giai đoạn II hoàn thành đã phát huy hiệu quả, nhưng nỗi lo về tình trạng úng ngập vẫn thường trực.
Còn theo ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, nội thành mở rộng, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, nhưng việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị mới với khu vực lân cận còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ nên không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mưa. Công ty Thoát nước Hà Nội lên phương án, khi lượng mưa từ 50 đến 100mm (trong 24 giờ), sẽ vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt; vận hành tối đa công suất các trạm bơm khác (20m3/s) như Bắc Thăng Long - Vân Trì, hầm Kim Liên, cầu chui... điều tiết các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu... Đồng thời, đặt các tổ bơm di động để tiêu thoát trên các tuyến phố có khả năng bị úng ngập cao. Khi có lượng mưa trên 100mm, ngoài các biện pháp trên, buộc phải tính đến việc phá dỡ toàn bộ đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.
Đẩy nhanh các dự án thi công
Ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng Phòng GTĐT - Sở GTVT cho biết, tuyến đường 32 và đường Trần Huy Liệu - Giảng Võ sẽ hoàn thành trong tháng 6, giảm tình trạng úng ngập do thi công trên các tuyến đường này. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, một số dự án như QL1A, vốn là trục đường thường xuyên bị úng ngập khi có mưa lớn, hiện tại, Sở GTVT đang thi công mở rộng, do đó, phải đẩy nhanh tiến độ; trong quá trình thi công không làm xấu thêm tình trạng úng ngập. Đồng tình với ý kiến chỉ đạo này, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT cho rằng, đặc biệt với những dự án nằm trên các tuyến đường có nguy cơ úng ngập cao cần phải đẩy nhanh tiến độ. “Nhiều khi, đơn vị thi công ban đêm, sáng ra không kịp dọn dẹp mặt bằng, không những gây ách tắc giao thông, nếu xảy ra mưa gây úng ngập thì việc phân làn giao thông sẽ rất vất vả”, Đại tá Ngọc cho biết. Hơn nữa, việc xử lý cây đổ gãy, đứt dây điện trong và sau mưa còn chậm, cản trở đến giao thông.
Việc phối hợp với các tỉnh bạn trong việc tiêu thoát úng khi gặp tình huống xấu cũng được Phó Chủ tịch TP yêu cầu gấp rút làm ngay. Bởi, hệ thống tiêu thoát úng trên địa bàn TP hiện có sông Nhuệ và sông Đáy, cả hai đều chảy xuống Hà Nam. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng yêu cầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hố ga mất nắp, nếu mất phải bổ sung ngay. Hố ga mất nắp nếu gặp mưa to, úng ngập mà không được cảnh báo kịp thời sẽ là những cái bẫy chết người đối với người tham gia giao thông. Những hành vi lấn chiếm hệ thống thoát nước, làm co thắt dòng chảy cần phải được xử lý nghiêm và dứt điểm.
(Theo ANTĐ)