Số lượng các gói thầu được đấu thầu thành công lớn hơn nhiều nếu như các chủ đầu tư được trao toàn quyền trong việc phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Số lượng các gói thầu được đấu thầu thành công lớn hơn nhiều nếu như các chủ đầu tư được trao toàn quyền trong việc phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Bắt đầu từ ngày 1/12, khi Nghị định số 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng chính thức có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án đầu tư công sẽ có thêm nhiều sự chủ động trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Tăng quyền, tăng trách nhiệm
Là ngành có số lượng các cuộc đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp dịch vụ tư vấn diễn ra hàng năm lớn nhất, nên các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chịu nhiều tác động từ những quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu vừa được ban hành.
Chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2009, Bộ Giao thông - Vận tải đã thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu cho 64 gói thầu với giá trúng thầu là 15.782 tỷ đồng/16.503 tỷ đồng giá dự toán. Không chỉ lớn về số lượng, tổng giá trị các gói thầu được trao trong năm 2009 cũng có thể coi là một kỷ lục của ngành giao thông.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) khẳng định, số lượng các gói thầu được đấu thầu thành công lẽ ra còn lớn hơn nhiều, nếu như các chủ đầu tư được trao toàn quyền trong việc phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT), phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, xử lý một số tình huống đấu thầu nhạy cảm.
Cần phải nói thêm, phần công việc được ông Việt coi là “các chủ đầu tư được trao toàn quyền” là những khâu thủ tục gây mất nhiều thời gian nhất trong chuỗi công việc liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu.
Cũng theo ý ông Việt, nếu như đã “được trao toàn quyền”, 8 gói thầu sử dụng vốn vay ODA có quy mô lớn do các chủ đầu tư trong ngành quản lý cũng sẽ tránh được việc phải hủy kết quả đấu thầu, do những khác biệt liên quan đến tính hợp lệ của nhà thầu giữa Luật Đấu thầu và quy định của nhà tài trợ được sớm được xóa bỏ.
Theo các chuyên gia, tiếc nuối của các chủ đầu tư giao thông là có cơ sở, bởi những điều “nếu như” kể trên đều đã được sửa đổi một cách triệt để trong Nghị định số 85/2009/NĐ - CP.
Không chỉ riêng các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng trong ngành giao thông, đại diện các bộ, ngành, địa phương đang quản lý dự án đầu tư công khác cũng đánh giá cao sự phân cấp mạnh trong công tác tuyển chọn nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ tư vấn theo hướng tăng quyền, trao nhiều hơn sự chủ động cho chủ đầu tư.
Hội nghị Phổ biến triển khai Luật Đấu thầu sửa đổi và Nghị định số 85 do Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào sát ngày những quy định mới có hiệu lực đã thu hút đông đảo đại diện các chủ đầu tư đến từ các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Trước đó, tại các hội thảo với cùng nội dung trên do Cục Quản lý Đấu thầu tổ chức tại một số địa phương cũng nhận được sự quan tâm tương tự.
“Tăng quyền và sự chủ động, lẽ dĩ nhiên trách nhiệm của các chủ đầu tư cũng lớn hơn. Việc các chủ đầu tư được tự quyết định nhiều công việc, trong đó có cả xử lý các tình huống đấu thầu sẽ rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, đồng thời giảm bớt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm lên cấp quyết định đầu tư”, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khẳng định.
Nhà thầu cũng được hưởng lợi
Phân cấp trách nhiệm chỉ là một trong 6 nhóm vấn đề liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu được sửa đổi trong Nghị định 85/2009/NĐ - CP gồm: đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, các hành vi bị cấm trong đấu thầu, chỉ định thầu, sơ tuyển nhà thầu, xử lý vi phạm trong đấu thầu.
Theo đánh giá, các ứng thầu cũng sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi nói trên. Ngoài việc làm rõ hơn tính hợp lệ của ứng thầu theo hướng tiệm cận tình hình thực tế và các quy định của các nhà tài trợ, việc Luật Đấu thầu sửa đổi và Nghị định số 85 cho phép các nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi được tham gia dự thầu lập thiết kế kỹ thuật và các bước tiếp theo đã “nới rộng sân chơi” cho các nhà thầu tư vấn.
“Chúng tôi đánh giá cao việc đưa hành vi bên mời thầu không bán hồ sơ mời thầu cho nhà thầu theo thời gian được xác định tại thông báo mời thầu, thư mời thầu vào danh sách những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Trên thực tế đã xuất hiện một số chủ đầu tư đã tìm cách bán rất hạn chế hồ sơ mời thầu để lựa chọn được nhà thầu đã định sẵn”, ông Lương Quang Thi, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông cho biết.
Theo ông Tăng, tính khả thi của các quy định liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu xây dựng tại các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước vừa được ban hành, phụ thuộc nhiều vào tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư.
“Tâm lý e dè sợ trách nhiệm đang khiến một số chủ đầu tư “run tay” khi được trao thêm quyền và sự chủ động trong quá trình quản lý triển khai xây dựng công trình. Điều này còn đáng ngại hơn cả nguy cơ chỉ định thầu tràn lan khi được nâng hạn mức như một số người lo ngại”, một chuyên gia bình luận.
(Theo Đầu Tư)