Sự xuống cấp cùng với mức phí quá cao của những căn hộ cao cấp đã khiến cho nhiều khổ chủ phải méo mặt vì tiền đắt nhưng không xắt ra miếng.
Sự xuống cấp cùng với mức phí quá cao của những căn hộ cao cấp đã khiến cho nhiều khổ chủ phải méo mặt vì tiền đắt nhưng không xắt ra miếng.
Phí “cắt cổ”
Các cư dân sống trong tòa nhà SaiGon Pearl (92 Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh, TP HCM) rất bức xúc vì sống trong căn hộ 5 sao nhưng phí quản lý vàdịch vụ có nhiều vấn đề.
Chị V, sống ở căn hộ tòa nhà Ruby1 cho hay, sau 2 năm trì hoãn giao nhà, chủ đầu tư (Công ty TNHH Việt Nam Land SSG) đã ký hợp đồng bàn giao nhà. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán họ đã thay đổi quyền sở hữu một số khu vực thuộc tiện ích chung và không thông báo cho người dân.
Hợp đồng ghi rõ tầng hầm bãi đậu xe của ba tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire thuộc sở hữu chung của cư dân và mức phí mỗi tháng là 40 USD (tương đương 800.000đồng mỗi tháng). Tuy nhiên khi đưa vào vận hành, phí giữ xe tăng lên 1,6 triệu đồng. Xe máy là 5 USD, tương đương 100.000 đồng tăng lên 160.000 đồng.
Các khu vực giao thông nội bộ trong tòa nhà bị chiếm dụng kinh doanh giữ xe với mức 20.000 đồng mỗi giờ đối với ôtô, giờ sau tăng thêm 10.000 đồng. Ngoài việc tầng hầm giữ xe bị chiếm dụng, phí quản lý của các tòa nhà này cũng cao hơn so với dự kiến ban đầu: 17.000 đồng mỗi m2 một tháng.
Công viên trung tâm là nơi hoạt động vui chơi của cộng đồng cư dân nhưng chủ đầu tư đã cho thuê dịch vụ spa. Thêm vào đó, chủ đầu tư chỉ cho những ai là thành viên CLB Saigon River nộp phí từ 400 USD đến 800 USD mỗi năm mới được bơi khiến cư dân bức xúc.
Ngoài ra, chi phí mà người dân đóng cho ban điều hành chung cư rất lớn nhưng lại được chi một cách khó hiểu. Ví dụ như chi phí lương cho giám đốc điều hành lên trên 185 triệu mỗi tháng nhưng người quản lý được cho là không có năng lực điều hành.
Xuống cấp
Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua chung cư cao cấp rồi lại phải chịu dịch vụ kém đang trở thành nỗi băn khoăn của nhiều người.
Tại cầu thang máy số 1 của tòa nhà A, tòa nhà Keangnam Vina nước lênh láng tràn cả vào bên trong. Phía dưới tầng hầm nhà A, nước cũng chảy xuống. Chị Lan, một cư dân sống ở tòa nhà này cho hay, ống dẫn nước của một hộ trên tầng 23 bị vỡ khiến cho nước rỉ xuống các tầng dưới, đặc biệt chảy cả vào thang máy. Sau khi nước chảy vào thang máy, thang máy đã được ngừng hoạt động để chờ sửa chữa.
Theo một số người dân sống tại đây, sự cố rỉ nước ở tòa nhà cao cấp Keangnam không phải mới xảy ra một lần. Lần đầu tiên diễn ra ngay khi vừa bàn giao căn hộ, hai thang máy ngoài cùng bị hỏng, không sử dụng được trong vòng hai tháng do sự cố rò rỉ nước.
Ngày 9/6/2011 xảy ra sự cố nước lênh láng ở trụ nước cứu hỏa tại tầng 27 khiến cho 10 thang máy phải tạm dừng sử dụng.
Không chỉ có ở tòa nhà Keangnam, hàng chục hộ dân sống tại chung cư The Manor - Khu đô thị mới Mỹ Đình cũng đã bị nếm mùi mất nước trong vài ngày. Ban quản lý tòa nhà đơn phương cắt toàn bộ nước sạch trong khi đó tất cả các hộ dân này vẫn đảm bảo việc nộp tiền nước đúng theo kỳ hạn.
Cối tháng 3 vừa qua (25/3), một căn hộ ở tầng 12, tại tòa nhà 34 tầng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bốc cháy khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn, chạy xuống sân. Điều đáng lo ngại, chỉ người dân dưới đường và sân nhà mới biết xảy ra hỏa hoạn vì hệ thống báo cháy không phát tín hiệu. Khi bốc lửa, khói đen đặc bốc lên đã làm ám khói nhiều căn hộ tại các tầng trên.
Điều đáng lo ngại nhất là phương án cứu hộ bằng xe thang của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường vì xe nặng 50 tấn trong khi chủ đầu tư Vinaconex xây dựng hệ thống tầng hầm của các tòa nhà xung quanh dưới mặt sân chung.
Xem kỹ hợp đồng
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: "Tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc kinh doanh chung cư, làm thế nào để bán nhiều chung cư chứ chưa quan tâm tới việc quản lý sau khi đi vào hoạt động như thế nào. Vì vậy mới dẫn tới những xung đột giữa người dân và chủ đầu tư sau khi sử dụng chung cư một thời gian", ông Liêm khẳng định.
Còn theo ông Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, Trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chất lượng công trình kém.
"Có thể từ lúc thiết kế chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc là chất lượng thi công không tốt. Vật liệu không đúng chủng loại thiết kế, kỹ năng làm không đúng kỹ thuật như lỗi ống... Tất cả điều này khiến cho chất lượng công trình kém. Trong khi đó việc nghiệm thu sản phẩm làm qua loa, không đúng theo quy định", ông Chủng nhấn mạnh.
Theo ông Chủng, Bộ Xây dựng quy định việc nghiệm thu chung cư phải có bên thứ ba độc lập, không phải nhà thầu, không phải bên tư vấn giám sát. Bên thứ ba có trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng công trình xem đã đạt tiêu chuẩn chưa và cấp chứng nhận sự phù hợp về chất lượng.
Ông Chủng khuyến cáo, trong hợp đồng mua nhà cần phải có các điều khoản quy định cụ thể. Ngoài các thông tin về tòa nhà, về căn hộ, quá trình bảo trì... người mua nên yêu cầu người bán nhà cấp cho các giấy tờ hoặc thông tin liên quan như giấy chứng nhận nhận phù hợp về chất lượng, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, nhà thầu, đon vị giám sát...
Những thông tin này sẽ giúp người dân giám sát và bảo vệ tài sản của mình. Sau này khi có sự cố xảy ra, người dân có thể tìm được ai gây ra sự cố đó và bắt buộc họ khắc phục, sửa chữa.
(Theo VTC)