Luanda, thủ đô của quốc gia châu Phi Angola, vẫn thường lọt vào danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và nhiều lần chiếm vị trí đầu bảng.
Luanda, thủ đô của quốc gia châu Phi Angola, vẫn thường lọt vào danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và nhiều lần chiếm vị trí đầu bảng.
Phóng viên tờ The Economist đã có những trải nghiệm khó quên khi đặt chân tới nơi này.
Ở Luanda, một phòng khách sạn bình dân giá 400 USD, một cốc đồ uống không cồn trên hành lang giá 10 USD, một suất buffet trong khách sạn tiêu tốn 75 USD, một chiếc bánh pizza trên hè phố được “quát” với giá 25 USD…
Chỉ cần ngồi lên taxi chạy một vòng là mất ngay 50 USD, vì đồng hồ taxi nhảy tanh tách ngay khi khách ngồi lên. Thuê taxi cả ngày có thể ngốn tới 350 USD. Để thuê một căn hộ, bạn cần chắc chắn là có đủ 10.000-15.000 USD mỗi tháng để trả tiền thuê. Còn để tậu một căn hộ, số tiền phải bỏ ra lên tới ít nhất 1 triệu USD.
Trong khi đó, lao động phổ thông ở Luanda được nhận lương khoảng 50 USD/tháng. Điều này lý giải khoảng cách giàu nghèo quá lớn ở đất nước này. Angola là một trong những nước có hệ số Gini tệ hại nhất thế giới. (Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập).
Nhiều năm qua, Luanda đã vững vàng ở vị trí thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Đó không hoàn toàn do tác động từ nguồn tiền xuất khẩu dầu lửa của Angola, mặc dù đây là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai tại khu vực tiểu sa mạc Sahara. Mức giá sinh hoạt “cắt cổ” ở nước này chủ yếu xuất phát từ tình trạng nguồn cung hạn chế trong và sau khi cuộc chiến tranh dân sự kết thúc ở nước này vào năm 2002.
Khi hòa bình lập lại ở Angola, các tuyến du lịch cũng được mở cửa lại và nhiều công ty cố gắng gia nhập thị trường. Tuy nhiên, do thu được mức lợi nhuận lớn hơn bình thường, các công ty của nước này tìm cách đảm bảo rằng các hàng rào thương mại vẫn được giữ vững.
Tại Luanda, muốn ăn một quả bơ, bạn phải chi 5 USD, trong khi với 10 USD, bạn có thể ra ngoại ô và mua cả trăm quả bơ. Điều này là dễ hiểu vì để đưa hoa quả vào Luanda, cánh lái buôn phải “đàm phán” để vượt qua vô số rào cản, bao gồm các quan chức, bảo vệ, bảo kê, cảnh sát, và binh lính - trong số này đối tượng nào cũng muốn vòi tiền.
Trước Giáng sinh vừa qua, siêu thị Casa Dos Frescos ở Luanda đã bán một trái dưa hấu cho một vị khách người Pháp với giá 100 USD. Sau đó, vị khách này đã kiện siêu thị trên ra tòa án địa phương vì tội trục lợi, với bằng chứng đưa ra là bức ảnh của một trái dưa hấu bình thường và hóa đơn thanh toán. Tuy nhiên, quan tòa đã bãi đơn kiện này với lý do thiếu chứng cứ. Quan tòa đòi vị khách người Pháp đưa bằng chứng là quả dưa hấu trong vụ việc, nhưng ông khách này đã ăn hết từ lâu.
(Theo Vneconomy)