160 hộ mua đất được UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cấp sổ đỏ, có đủ bản đồ ghi rõ số thửa, lô đất, khu quy hoạch. Nhưng từ năm 2003 đến nay, những hộ này không hề biết thửa đất mình mua đang nằm ở đâu.
160 hộ mua đất được UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cấp sổ đỏ, có đủ bản đồ ghi rõ số thửa, lô đất, khu quy hoạch. Nhưng từ năm 2003 đến nay, những hộ này không hề biết thửa đất mình mua đang nằm ở đâu.
Năm 2001, người dân Đà Nẵng rồi Quảng Nam đổ về UBND xã Điện Ngọc để nộp tiền mua đất khá đông. Đây là những lô đất nằm trên đường ven biển nối từ Đà Nẵng vào Hội An. Theo những người dân đã mua đất, dù rất khó khăn về tài chính, họ cũng phải cố nộp gấp số tiền 72 triệu đồng/lô cho UBND xã vào năm 2001. Đến tháng 12/2003, 160 hộ mua đất này được UBND huyện Điện Bàn cấp sổ đỏ. Trong trích lục bản đồ ghi rõ số thửa, lô đất, khu quy hoạch cũng như vị trí khu đất một cách chi tiết, rành mạch... nhưng từ năm 2003 đến nay, các hộ dân nói trên không hề biết thửa đất mình mua đang nằm ở đâu.
Khi người dân yêu cầu Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, UBND xã Điện Ngọc cắm mốc, giao đất thì cả hai nơi này đều làm ngơ. Sự việc kéo dài 4 năm, trong lúc người dân sốt ruột muốn biết đất nằm ở đâu để quản lý thì cán bộ từ huyện đến xã đều chỉ tay vào những khu rừng dương rồi phán: "Đất của bà con ở đây chứ đâu mà lo cắm mốc, phân định ranh giới làm gì cho mệt".
Năm 2007, một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn xây dựng sân golf 18 lỗ. Đầu tiên, đơn vị này huy động nhân công xây dựng tường rào, cổng ngõ thì lập tức gần 200 người kéo đến ngăn cản, yêu cầu dừng thi công vì đây là đất của họ được Nhà nước cấp sổ đỏ, chưa đền bù nên chưa thể xây dựng.
Theo UBND huyện Điện Bàn, Công ty TNHH Indochina Land Holdings xây dựng sân golf 18 lỗ trên diện tích 70,3 ha, bao trùm cả 5 dự án mà UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt trước đây, trong đó có dự án mà UBND xã Điện Ngọc làm chủ đầu tư, phân lô cho 160 hộ dân mua.
Ông Lê Thương, Phó trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn cho biết, vì không biết rõ có bao nhiêu người sở hữu 160 lô đất đã cấp sổ đỏ, nên huyện phải loan tin trên truyền hình để định ngày họp dân công bố quy hoạch, trình bày các phương án đền bù, giải tỏa. "Trước đây, đất này toàn dương liễu, nhưng khi thông báo lên TV thì người đến rất đông, ai cũng có sổ đỏ cả", ông Thương nói.
Do nhiều người mua đi bán lại đất trên giấy, không được biết chi tiết đất của mình nằm ở đâu, nên khi thấy Công ty TNHH Indochina Land Holdings xây tường rào, bất kể trên đất của ai, họ cũng "nhảy" vào ngăn cản. Ông Nguyễn Văn Rân, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Điện Bàn, nói: "Sai sót này do xã, nhưng người mua đất phải chịu". Ông Rân lý giải: "Người dân nói không biết đất mình nằm ở đâu là vô lý. Bởi họ ký biên bản giao nhận đất giữa người bán (UBND xã Điện Ngọc) và người mua hẳn hoi. Phải có đủ hồ sơ, UBND huyện mới cấp sổ đỏ, chứ đâu đùa được".
(Theo Thanh Niên)