Nhiều vấn đề lớn của dự án Luật Thủ đô vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều vấn đề lớn của dự án Luật Thủ đô vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra kiên trì quan điểm quản lý dân cư Thủ đô phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cư trú, đại diện Ban soạn thảo cho rằng như thế rất khó.
Dù phải trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ chín vào tháng Ba tới đây, song nhiều vấn đề lớn của dự án Luật Thủ đô vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6/1.
Thậm chí, có ý kiến đề nghị "nhường" quyền quyết định cho Quốc hội khóa sau.
Không thể ngăn cản nhập cư
Xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự án Luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật đã kiên trì giữ lại nhiều quan điểm ngay từ khi thẩm tra tại kỳ họp Quốc hội thứ tám. Trong đó có vấn đề quản lý dân cư, đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn, cơ chế về sử dụng tài chính…
Theo đó, cơ quan thẩm tra không tán thành với quy định cho phép Hà Nội áp dụng mức xử phạt tiền với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong 6 lĩnh vực cụ thể. Đồng thời cũng không quy định những chính sách ưu tiên về tài chính trong dự thảo luật để thực hiện thống nhất theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách.
Với quản lý dân cư, dự thảo luật đã đưa ra biện pháp hành chính như là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác tại thời điểm này nhằm giảm tải số lượng dân cư cư trú trong nội đô.
Còn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, một thời gian dài trước đây đã áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không có hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác.
Di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội thuận lợi hơn “là nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Do vậy, đề nghị không nên quy định vấn đề này trong dự thảo luật mà để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “chốt” lại.
“Theo chúng tôi thì không được”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban soạn thảo dự án luật khẳng định ngay sau khi Chủ nhiệm Thuận trình bày. Bởi, Luật Cư trú không quản lý được cư trú nội thành một cách hợp lý. Vì điều kiện thường trú khá dễ dãi, vận dụng với nội thành Thủ đô thì hơi khó.
“Nếu Quốc hội thấy rằng cần quản lý dân cư chặt chẽ, mật độ phù hợp như nghị quyết của Bộ Chính trị thì cần có quy định khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Cường cũng thể hiện sự không đồng tình với nhận định của cơ quan thẩm tra là các biện pháp quản lý hành chính trước đây không có hiệu quả. Có hình ảnh Hà Nội trước đây là do quản lý hành chính chặt, ông Cường nói.
Đây cũng là một trong những lý do để Bộ trưởng cho rằng cần bổ sung pháp luật hiện hành thì mới quản lý tốt được, khi trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển. Rằng, những chính sách, cơ chế hiện hành có hạn chế sự phát triển của Thủ đô hay không?
Tiếp sau một số ý kiến khác với quan điểm trái nhiều nhau, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh phân tích thêm những lý do cần phải có quy định riêng để hạn chế cư trú nội đô. Và điều kiện để có thể thường trú tại nội thành cũng chỉ là “có việc làm ổn định và có nhà ở, chứ không bắt gì hơn cả”.
Ở ngoại thành thì không bắt buộc phải có điều kiện này, ông Khanh giải thích thêm.
Chưa có tiến triển gì đáng kể
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu không giấu được sự “sốt ruột” khi dự án luật “chưa có tiến triển gì đáng kể”, nhất là trong việc xác định cơ chế đặc thù cho Thủ đô.
Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra rất băn khoăn khi thời gian để chỉnh lý dự luật còn rất ít nhưng chưa nhìn thấy sự thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ở nhiều vấn đề lớn của dự thảo luật.
Và cho dù có thống nhất về sự cần thiết phải ban hành luật này thì những vấn đề cụ thể cũng còn có quan điểm trái ngược. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thống nhất cần có cơ chế tài chính đặc thù như dự luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại cho rằng không cần thiết vì đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì không thể áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng rất cần phải áp dụng và vẫn đảm bảo sự công bằng.
Để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An Ninh Lê Quang Bình đề nghị chưa nên thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ chín mà lùi đến kỳ 2 của Quốc hội khóa 13.
Nhắc lại một số ý kiến khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ tám về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng nếu xây dựng luật quản lý đô thị và có 1 hay một số chương cho Hà Nội thì tốt hơn và sẽ đảm bảo quy định đồng bộ cho các thành phố lớn.
Còn nếu không khắc phục được sự yếu kém trong quy hoạch và quản lý đô thị hiện tại thì “có đến 10 luật thủ đô cũng chả thực hiện được”, bà Thu Ba thẳng thắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tâm tư, nếu để làm ra một đạo luật trơn tru như Pháp lệnh Thủ đô thì chẳng phải tranh luận dài dòng làm gì. Còn nếu đạt đến chất lượng để Quốc hội thông qua thì không hề đơn giản.
“Đây là áp lực rất lớn, dù bản thân tôi chưa bao giờ đầu hàng trước khó khăn”, Chủ nhiệm Thuận giãi bày.
Đồng tình với quan điểm coi trọng chất lượng, song một số ý kiến cũng cho rằng không nên chần chừ mà nên quyết tâm trình dự án luật Thủ đô để Quốc hội thông qua theo đúng chương trình đã định.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đây là dự án luật đưa vào chương trình rồi, vì thế nên lắng nghe lẫn nhau, tiếp thu tối đa để hoàn thiện trình Quốc hội. Về ý kiến riêng, Chủ tịch đồng tình với nhiều đề xuất của Ban soạn thảo dự án luật.
(Theo Vneconomy)