Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nằm trên địa bàn phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ dài 2 km nhưng có tới 34 dự án. Và xung quanh "con đường dự án’ này có rất nhiều điều khiến người dân bức xúc.
Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nằm trên địa bàn phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ dài 2 km nhưng có tới 34 dự án. Và xung quanh "con đường dự án’ này có rất nhiều điều khiến người dân bức xúc.
Khu đô thị tại đường Nguyễn Văn Cừ nối dài từ cầu Rạch Ngỗng 2 đến quốc lộ 91B được quy hoạch tháng 10/2002, có quy mô 1,134 triệu m2, trong đó khoảng 80% diện tích để xây dựng các trụ sở cơ quan nhà nước. Theo quy hoạch, 200 m hai bên đường này đều "lọt" vào dự án.
Theo UBND quận Ninh Kiều, đã có 34 dự án được giao đất nhưng những dự án đã thực hiện còn rất ít. Chỉ có trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đang được thi công. Đối diện trụ sở này là Trường đại học Y thi công kiểu lúc làm lúc nghỉ vì còn vướng chuyện mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng ý giao đất. Ngoài các công trình hiện hữu đã có trước khi phê duyệt dự án như Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 2 chi nhánh Cần Thơ, đài Bưu chính viễn thông 108, nhà nuôi trẻ mồ côi, còn lại các dự án đang trong giai đoạn triển khai, trong đó có 16 dự án "án binh bất động", hai dự án chủ đầu tư xin trả lại.
Người dân bức xúc nhất là nhiều cơ quan được giao đất, thu hồi xong rồi... bỏ hoang. Gần Trường đại học Y dược, hai trụ sở của Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước Cần Thơ cắm bảng phối cảnh để... đo chiều dài những cây sậy và cỏ. Bảng phối cảnh của trụ sở Kho bạc Nhà nước Cần Thơ cao hơn mặt đất 4,5 m nhưng lau sậy đã cao gần bằng. "Đất đai thì quý như vàng, thế mà nhiều trụ sở cơ quan qui hoạch để... trồng cỏ. Tại những trụ sở này dân thường thả bò. Đất đai bỏ hoang thật lãng phí”, nhiều người dân bức xúc.
Rất nhiều cơ quan, công ty nhà nước được giao đất nhưng "treo" như trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường, trụ sở Ban thanh tra giao thông thành phố, trụ sở văn phòng đại diện Hàng không VN... Do nhiều dự án chưa thực hiện nên người dân sống hai bên đường khốn khổ. "Muốn mở rộng nhà xưởng làm nơi kinh doanh nhưng không được. Chẳng biết khi nào họ mới triển khai", ông Phan Chính, một người dân sống trên con đường dự án, than thở
Không ít dự án dù đã được giao đất nhưng khi triển khai thực hiện thì gặp bế tắc. Chẳng hạn như Công ty Thông tin điện tử hàng hải đã thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2005, song các hộ dân bị ảnh hưởng không đồng tình giao đất cho nhà đầu tư. Giải thích vì sao không giao đất, ông Nguyễn Thanh Dũng, người dân bị ảnh hưởng dự án, trình bày: "Việc bồi thường đất bất hợp lý. Cùng trên một trục đường nhưng hai đầu giá cao hơn, đoạn giữa nơi chúng tôi đang sống giá lại quá thấp. Giá đất đường Nguyễn Văn Cừ được Nhà nước qui định là 7,5 triệu đồng một m2, còn đoạn đang làm mặt tiền khu dân cư giá thị trường 10 triệu đồng. Thế nhưng tại con đường này đất mặt tiền giá bồi thường lại chưa đầy 3 triệu đồng. Thêm nữa khi thu hồi đất đai nhà cửa, di dời dân đi chỗ khác nhưng lại không có nơi tái định cư cho dân ở nên dân không đồng ý”.
Ông Nguyễn Thanh Vững, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết vấn đề gây bức xúc nhất là nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Nguyên nhân, theo ông Vững, do nhiều nhà đầu tư dù đã có quyết định giao đất nhưng không liên hệ để giải phóng mặt bằng. Mặt khác do thủ tục đầu tư còn chậm hoặc do thiếu vốn. Thêm nữa hiện nay chưa có khu tái định cư riêng cho dự án này nên gây khó khăn cho việc đẩy nhanh tiến độ Tuy nhiên, ông Vững nói việc quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, không thuộc thẩm quyền của quận. Quận chỉ thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
Trong buổi giám sát do HĐND thành phố tổ chức mới đây xung quanh con đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sẽ trình UBND thành phố về chủ trương giải quyết tái định cư tại chỗ đối với các hộ dân mặt tiền đường. Đồng thời sẽ xem xét để điều chỉnh giá bồi thường cho dân sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường theo qui định của pháp luật. Nhiều người dân nghe được thông tin này rất mừng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa an tâm vì hiện nay mới "sắp" chứ chưa đi vào thực tế nên vẫn còn lo.
(Theo Tuổi Trẻ)