Mặc dù hàng loạt dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đã được khởi công nhưng cơ hội sở hữu căn hộ giá rẻ với người có thu nhập thấp vẫn rất xa vời.
Mặc dù hàng loạt dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đã được khởi công nhưng cơ hội sở hữu căn hộ giá rẻ với người có thu nhập thấp vẫn rất xa vời.
Không có nhà giá thấp!
Một điều tra với gần 500 bảng hỏi do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tiến hành tại Hà Nội và TP.HCM mới đây cho thấy, cứ 100 khách hàng mua bất động sản, thì có 61,5% có nhu cầu mua nhà để ở chủ yếu là chung cư giá rẻ.
Việc tỷ lệ người chọn mua chung cư bình dân lên đến gần 40%, gần gấp đôi tỷ lệ người chọn căn hộ chung cư cao cấp để mua (23,1%) cho thấy phân khúc thị trường căn hộ bình dân luôn là thị trường tiềm năng, bởi còn một bộ phận rất đông người dân có thu nhập chưa cao và cán bộ công chức đang có nhu cầu mua căn hộ. Tuy nhiên, để mua được những căm hộ dạng này, lại là điều không đơn giản, bởi nguồn cung rất khan hiếm.
Kết quả điều tra của Vietnam Report cũng cho thấy, đa số người được hỏi đều chấp nhận bỏ ra một khoản tiền 800 triệu - 1,5 tỷ đồng để sở hữu một ngôi nhà. Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu đổi mới truyền thông Hoa Kỳ cho rằng, rất khó để những người lao động có thu nhập chịu thuế (thu nhập cao) tại Việt Nam có thể tích lũy được số tiền này, chứ đừng nói đến người có thu nhập thấp.
Trước thông tin về việc cơ quan chức năng khởi công hàng loạt dự án nhà dành cho người có thu nhập thấp trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng, họ không có nhiều cơ hội để sở hữu những căn hộ giá rẻ này.
Theo quy định của UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM, các công ty đầu tư xây dựng khu đô thị mới đều phải dành 20% quỹ đất hoặc 20% tổng số mét vuông sàn chung cư trong dự án để thành phố giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và những người có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, từ trước đến nay, số diện tích nhà, đất này đến tay người có khó khăn về nhà ở rất "nhỏ giọt"!
Với chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp, đối tượng cán bộ, công chức và người lao động có thu nhập trung bình ở các thành phố lớn sẽ không có "tiêu chuẩn". Thứ nhất, sẽ có hàng loạt đối tượng ưu tiên cho loại nhà này như công nhân, sinh viên, lực lượng vũ trang... Thứ hai, với mức lương trung bình 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, theo quy định của Bộ Tài chính, rất khó để được xem là người có thu nhập thấp.
Vì sao “cơn khát” kéo dài?
Phân tích mối quan hệ cung - cầu bất thường của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cũng như bất cứ loại hàng hoá nào khác, giá bất động sản phụ thuộc vào mối quan hệ cung - cầu. Sự “nóng - lạnh” của quan hệ cung - cầu thực chất phụ thuộc vào mức thu nhập quốc dân, kinh tế phát triển hay suy thoái. Trong khi nền kinh tế Việt Nam khá ổn định, giá bất động sản lại thường xuyên sốt nóng, hoặc sốt lạnh như thời gian qua là điều hết sức bất thường.
Theo ông Liêm, giá bất động sản của Việt Nam cao một cách vô lý là do những yếu tố phi kinh tế trong yếu tố cung và yếu tố cầu của thị trường. "Tôi gặp một số nhà kinh doanh bất động sản, họ than thở với tôi, họ có tiềm lực để đầu tư, nhưng xin cấp đất rất khó. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác lại được cấp những diện tích đất rất lớn, mà năng lực của những chủ đầu tư này không lớn mạnh gì. Bất động sản đang là một cỗ máy in tiền khổng lồ cho một số doanh nghiệp, nhà đầu tư có những mối quan hệ "đặc biệt", ông Liêm nói.
Theo các chuyên gia, phân khúc thị trường nhà ở bình dân là rất lớn, nhưng không được quan tâm đúng mức. Nếu mối quan hệ cung - cầu cân đối, giá bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, thì thị trường sẽ rất phát triển, bởi có hàng triệu người đang có nhu cầu về nhà ở. Nhưng nếu giá bất động sản lên tới 15-25 triệu đồng/m2 sàn chung cư, 40-50 triệu đồng/m2 đất thì thị trường sẽ rất nhỏ. Tuy nhiên, phân khúc thị trường này mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty kinh doanh địa ốc và những người có liên quan.
Cho đến nay, thị trường bất động sản vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu những người có tiền, còn giấc mơ về việc sỡ hữu một ngôi nhà của đại bộ phận người dân vẫn hoàn toàn xa vời. Thị trường càng "khát" bao nhiêu, thì giá bất động sản càng được đẩy lên cao bấy nhiêu và người dân thì vẫn chịu thiệt!
(Theo Đầu Tư)