Hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1A thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là một dự án trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1A thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là một dự án trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Dự án này mang tính chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Dự án hầm đường bộ đèo Cả được Bộ Giao thông Vận tải thai nghén từ 3/2001 và đã được Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên với số vốn đầu tư lớn nên việc tìm nhà tài trợ cho dự án đều không đạt kết quả.
Đây là một hạng mục công trình đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực miền Trung, nối Đà Nẵng, Phú Yên với khu kinh tế Văn Phong và thành phố Nha Trang. Góp phần trong việc nâng cao hiệu quả cho dự án, khôi phục nâng cấp quốc lộ 1A, kết nối 2 miền Nam – Bắc nên Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và UBND của 2 tỉnh trên đã có công văn đề nghị được thực hiện dự án này theo hình thức BOT và BT.
Dự án hoàn thành sẽ giảm bớt áp lực giao thông, tránh rủi ro, đảm bảo tính mạng con người, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu, thời gian mỗi khi xe qua đèo. Dự án này có tổng số vốn đầu tư lên tới 9.517 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Khởi đầu bằng con đường dẫn từ km 1.353+500 trên tuyến quốc lộ 1A ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và kết thúc ở lý trình km 1.373+500 ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tổng chiều dài dự án là 11.100m. Ngoài hầm chính xuyên qua đèo Cả dài 5.450 m còn có hầm đèo Cổ Mã dài 350 m. Hệ thống đường dẫn dài 4.065 m và ba chiếc cầu dẫn dài 1.260 m.
Dự án được chia thành 4 giai đoạn. Trong 9 tháng đầu năm 2010 thực hiện đền bù giải tỏa mặt bằng, tháng 10 sẽ khởi công giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư. Tháng 12 sẽ khởi công đường cầu và hầm. Sau 48 tháng kể từ ngày khởi công, hầm đường bộ đèo Cả sẽ cho thông xe vào tháng 12/2014 để sau đó chuyển sang giai đoạn vận hành, khai thác.
Bên cạnh việc xây dựng hầm đường bộ, các nhà đầu tư còn tính đến việc xây dựng các khu công nghiệp (tận thu đá từ hầm xây dựng các làng nghề đục đá, ươm trồng cây xanh cải tạo môi trường, xây dựng nhà máy sàn cát chọn lọc phục vụ cho dự án hiện nay và các dự án lâu dài…) trồng cây, các khu nhà sinh thái, thủy điện và các khu du lịch… nhằm khai thác tối đa hiệu quả của dự án.
Với sự tham gia của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T, Công ty cổ phần Á Châu cùng các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, dự án hứa hẹn là một công hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời còn khắc phục được nhược điểm về xây dựng ở các hầm đường bộ trước đây.
(Nguồn: Công ty CP đầu tư Đèo Cả)