Ba Vì vốn đất rộng (428km2), người thưa (hơn 26 vạn nhân khẩu), UBND huyện xác định đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là cơ sở để quản lý nguồn tài nguyên đất, mặt khác tạo điều kiện cho người dân có thể thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì đã và đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Ba Vì vốn đất rộng (428km2), người thưa (hơn 26 vạn nhân khẩu), UBND huyện xác định đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là cơ sở để quản lý nguồn tài nguyên đất, mặt khác tạo điều kiện cho người dân có thể thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì đã và đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Những vướng mắc
Theo văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) Ba Vì, đến tháng 6-2010, huyện Ba Vì đã cấp GCNQSDĐ ở đạt 76%, đất nông nghiệp đạt 94%. Quá trình triển khai công việc còn chậm do gặp nhiều khó khăn như bản đồ, hồ sơ thiếu, nhiều người dân không đồng tình chấp nhận nộp lệ phí trước bạ… Bà Bùi Thúy Nga, Giám đốc VPĐKQSDĐ Ba Vì cho biết: Hiện những trường hợp tồn tại chưa cấp được GCNQSDĐ là do chưa có bản đồ hoặc bản đồ có sự sai lệch, diện tích đất của các hộ vi phạm chưa được xử lý… Đặc biệt, đặc thù của huyện Ba Vì có nhiều nông, lâm trường, trạm, trại do các cơ quan trung ương quản lý, những năm qua, một bộ phận người dân ở những nơi đó đã tự ý chuyển nhượng, cho thuê đất trái luật gây khó khăn cho việc cấp GCNQSDĐ.
Một số tổ chức sử dụng đất và người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất nên chưa thực hiện kê khai, đăng ký cấp GCNQSDĐ và thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận GCNQSDĐ. Mặt khác đặc thù đất đai ở Ba Vì rộng, trung bình mỗi hộ có hàng ngàn mét vuông đất canh tác và đất ở, nếu làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, phải nộp ngân sách một khoản lệ phí trước bạ không nhỏ, điều đó khiến một bộ phận người dân chưa hào hứng đăng ký. Ngoài ra, quy định mới về Luật Đất đai cũng khiến việc cấp GCNQSDĐ ở huyện Ba Vì chậm lại. Theo quy định mới thì việc sử dụng đất vườn của người dân trước đây được chuyển thành đất trồng cây lâu năm (thời gian 50 năm) khiến nhiều hộ không đồng tình.
Biện pháp tháo gỡ
Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân, huyện Ba Vì đã tổ chức hội nghị tuyên truyền triển khai cấp GCNQSDĐ tại tất cả các xã trên địa bàn. Huyện cũng tổ chức làm điểm ở 4 xã Phú Đông, Phú Châu, Ba Trại, Tản Hồng, cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn tất cả các hộ dân đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ. Nhờ đó, năm 2009, VPĐKQSDĐ của huyện đã tiếp nhận và giải quyết 625 trường hợp chuyển quyền sử dụng đất; 937 trường hợp cấp mới GCNQSDĐ; 639 trường hợp giao dịch bảo đảm. 6 tháng đầu năm 2010, VPĐKQSDĐ của huyện đã cấp được 530 trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, cấp mới 88 trường hợp và 296 trường hợp giao dịch bảo đảm. Đối với các xã làm điểm như Ba Trại đã cấp được GCNQSDĐ cho 113 hộ, xã Phú Châu đã cấp GCNQSDĐ được 40 hộ, Phú Đông 250 hộ, xã Tản Hồng đang tiến hành rà soát, tổ chức xét duyệt, lập hồ sơ tại các thôn, xóm, khu dân cư.
Đến hết năm 2010, Ba Vì đặt mục tiêu cấp GCNQSDĐ ở hộ dân cư đạt trên 85%. Để đạt mục tiêu trên, huyện Ba Vì xác định phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và chính quyền địa phương các xã, thị trấn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Đất đai dưới nhiều hình thức để người dân nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi trong việc đăng ký đất đai, từ đó tự giác làm các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bản đồ địa giới hành chính của huyện Ba Vì được xây dựng từ thời kỳ trước năm 1954 đến nay đã rách nát và không còn phù hợp với thực tế. UBND huyện kiến nghị thành phố sớm triển khai đo đạc vẽ lại bản đồ địa chính theo dự án VLap để đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong công tác đo đạc, cấp GCNQSDĐ. Đối với diện tích đất nông trường, trạm, trại, đề nghị Nhà nước có biện pháp xử lý chặt việc mua bán chuyển nhượng trái phép; những đơn vị hoạt động không hiệu quả, Nhà nước sớm nghiên cứu, xem xét giao lại đất cho địa phương quản lý.
(Theo HNM)