Chỉ còn ba ngày nữa Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực (ngày 08/8) nhưng cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.
Chỉ còn ba ngày nữa Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực (ngày 08/8) nhưng cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.
Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 90 ban hành năm 2006. Mặc dù được giới chuyên môn cho rằng nghị định này đã thông thoáng hơn và quy định chi tiết hơn Nghị định 90 nhưng tại buổi giới thiệu, hướng dẫn do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổ chức tạiTPHCM ngày hôm nay 4-8 vừa qua, còn nhiều vấn đề các doanh nghiệp vẫn băn khoăn.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết hiện sở đang xin ý kiến của UBND TPHCM để có hướng thực hiện trước nhu cầu thị trường diễn biến liên tục và không thể dừng lại chờ hướng dẫn chi tiết từ Bộ Xây dựng. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, các dự án bất động sản đã được duyệt thì vẫn thực hiện như cũ và những dự án chưa được duyệt thì sẽ thực hiện theo nghị định mới.
Khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề sở hữu chung, sở hữu riêng tại các dự án chung cư, và tập trung khá nhiều vào quy định mới liên quan đến việc huy động vốn để thực hiện dự án.
Khác với nghị định trước, nghị định mới cho phép các chủ đầu tư cấp 1 được phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư cấp 2 để huy động vốn, đồng thời cho phép giao dịch tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án mà không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Số còn lại, chủ đầu tư chỉ được phép giao dịch khi đã xây dựng xong phần móng của công trình và phải bán qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức huy động vốn chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi phát triển dự án biết trước ít nhất 15 ngày.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, dẫn lời các doanh nghiệp cho rằng viêc đàm phán hợp tác làm ăn nhiều khi chỉ mất vài vài ngày và cần quyết định ngay, nhưng theo quy định mới phải có văn bản gởi sở xây dựng trước 15 ngày thì cơ hội của doanh nghiệp sẽ trôi qua.
Tuy nhiêu, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý doanh nghiệp sử dụng vốn huy động đúng mục đích là vấn đề nan giải, và quy định chỉ mang tính ràng buộc thực tế triển khai khó khả thi.
Ông Hiệp cũng nêu vấn đề các dự án khu đô thị mới (trên 50 hécta) đang hưởng quy chế khu đô thị mới theo Nghị định 02 ban hành năm 2006 cho phép nhà đâu tư được phép huy động vốn trước khi làm xong móng. Tuy nhiên, Nghị định 71 lại nói rõ là các dự án bất động sản phải làm xong móng, bất kể dự án lớn nhỏ. Như vậy, việc áp dụng nghị định mới có hồi tố lại trường hợp của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở quận 7 hay không khi khu đô thị này đang hưởng lợi thế từ nghị định trước đây. Ở vấn đề này, theo ông Hiệp, vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Xây dựng.
Vị phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết nghị định mới buộc sở này phải rà soát tiến độ dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới, và cũng nhìn nhận những yếu kém trong khâu quản lý.
Ông Hiệp nêu thực tế rằng hiện sở xây dựng cũng không biết có bao nhiêu dự án đang triển khai trên địa bàn, vì chỉ phê duyệt dự án đầu tư mà không theo dõi xem dự án có thưc hiện theo tiến độ hay không. Do vậy, thông tin tổng hợp về thị trường bất động sản của sở còn thua xa các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE hay Savills.
Liên quan đến vấ đề nhà ở xã hội, nghị định mới cũng thoáng hơn khi không khống chế số tầng của dự án và chỉ tiêu quy hoạch cũng được tăng lên 1,5 lần. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp không mặn mòi với chương trình này và chỉ xây dựng nhà ở xã hội ở những khu đất xa, khó giải phóng mặt bằng, thậm chí chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển dự án nhà ở thương mại của mình ngay bên cạnh.
(Theo TBKTSG)