Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất một số giải pháp về thủ
tục công chứng giấy tờ nhà đất.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất một số giải pháp về thủ tục công chứng giấy tờ nhà đất.
Về đề xuất của Bộ Tư pháp đối với việc huỷ bỏ thủ tục bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực các hợp đồng liên quan đến nhà ở, Bộ Xây dựng nhận thấy rằng, hiện nay hầu hết các hợp đồng liên quan đến nhà ở đều phải qua thủ tục công chứng hoặc chứng thực, thủ tục này đã góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở kiểm soát được các giao dịch và hạn chế được các rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra.
Ngoài 5 loại hợp đồng mà Luật Nhà ở đã quy định không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực như trên, Bộ Xây dựng đề xuất cần quy định thêm 3 loại hợp đồng: Hợp đồng cho thuê nhà ở của cá nhân có thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên; Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở; Hợp đồng uỷ quyền quản lý nhà ở. Khi một bên hoặc hai bên có nhu cầu công chứng để bảo đảm tính an toàn về giao dịch thì mới thực hiện công chứng hoặc chứng thực.
Đối với hợp đồng thế chấp, để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia thì nên bắt buộc phải công chứng. Theo Bộ Xây dựng, nếu đưa loại hợp đồng này vào diện không bắt buộc phải công chứng thì cần phải nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi của nhiều loại đối tượng có liên quan trước khi quyết định.
Với các loại hợp đồng mua bán nhà ở ký giữa cá nhân với cá nhân; hợp đồng đổi nhà ở; hợp đồng tặng cho nhà ở ký giữa cá nhân với cá nhân thì nên quy định bắt buộc phải qua thủ tục công chứng hoặc chứng thực.
Theo Bộ xây dựng, đây là các giao dịch về chuyển quyền sở hữu nhà ở, để được Nhà nước công nhận và sang tên quyền sở hữu nhà ở thì cần thiết phải có sự xác minh, kiểm soát về tính pháp lý của giao dịch nhằm tránh sự lừa đảo, gian lận, gây bất lợi cho bên nhận quyền sở hữu, đồng thời để hạn chế gánh nặng phải xác minh tính pháp lý cho cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc đưa thêm một số loại hợp đồng vào diện không bắt buộc phải công chứng, chứng thực như nêu trên là hợp lý để giảm thủ tục cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu này thì cần phải trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung đồng bộ, thống nhất cả 3 hệ thống pháp luật, đó là Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Riêng đối với hợp đồng cầm cố, bảo lãnh nhà ở thì không đưa vào quy định cải cách thủ tục hành chính, bởi vì Luật Nhà ở không có quy định về hai loại hợp đồng này. Đối với hợp đồng góp vốn bằng nhà ở thì nên thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp.
Nguyễn Khang