Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dịch vụ mua suất nghĩa trang… trả
góp. Đối tượng khách hàng ưu đãi là… các cụ hội viên Hội Người cao
tuổi.
Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dịch vụ mua suất nghĩa trang… trả góp. Đối tượng khách hàng ưu đãi là… các cụ hội viên Hội Người cao tuổi.
Sáng ngày 26/1/2011, Hội người cao tuổi TP.Hà Nội đã có buổi hội thảo với các hội viên tại Hội trường TW Mặt trận Tổ quốc (29, Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Nội dung của hội thảo này là thông tin ưu đãi mua đất mộ trả góp tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình).
Các cụ hội viên tỏ ra khá bất ngờ trước “gói dịch vụ” kỳ lạ lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam: mua “nhà” trả góp cho chính mình: 500 suất đất nghĩa trang để mai táng tại Công viên Nghĩa trang được bán ưu đãi cho 500 cụ có nhu cầu thực sự và đăng ký sớm nhất, trong thời gian từ ngày 25/10/2011 đến 15/01/2012.
Đơn vị đưa ra gói dịch vụ này là Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Cầu – chủ đầu tư dự án Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên.
Những yêu cầu do chủ dự án này đưa ra đối với các… cụ khách hàng của mình khá chặt chẽ: các cụ phải có nhu cầu thực sự; hồ sơ gồm có giấy xác nhận hội viên Người cao tuổi do quận xác nhận; đơn đăng ký mua đất ưu đãi theo mẫu của chủ dự án; bản photo chứng minh nhân dân và hộ khẩu thường trú.
500 cụ đăng ký sớm nhất sẽ được hưởng ưu đãi thanh toán 50% giá trị lô đất; 50% còn lại sẽ được thanh toán trả góp, mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi hết giá trị hợp đồng. Mỗi cụ được quyền mua tối đa hai suất mộ đơn (dành cho hai cụ) hoặc một suất mộ đôi, số lượng có hạn trong thời gian 2,5 tháng.
Đại diện của chủ dự án, ông Trần Tuấn Anh, Phó TGĐ cty Toàn Cầu cho hay: đây là một dự án nghiêm túc, dù mới mẻ ở Việt Nam nhưng nó là một nhu cầu thực sự, nhất là đối với các cụ cao tuổi đang sinh sống ở các đô thị chật chội, khi vấn đề đất nghĩa trang đang ngày càng bị co hẹp vì sự phình ra của các đô thị.
Hàng trăm cụ hội viên thuộc Hội người cao tuổi các quận nội thành của Thủ đô đã có mặt trong buổi hội thảo dành cho mình. Sau cảm giác bất ngờ vì gói dịch vụ kỳ lạ và là điều nhiều người muốn né tránh, kể cả trong suy nghĩ, nhiều cụ đã bày tỏ sự đồng tình.
Cụ Đỗ Cao Phúc (Hội viên Hội Người cao tuổi quận Thanh Xuân) tâm sự: sinh lão bệnh tử là quy luật, ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống, nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc “phòng xa” đất mai táng đối với người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình.
Cụ Phạm Văn Ngọc, Phó Hội trưởng Hội NCT TP.Hà Nội chia sẻ: chuyện hậu sự, “nhà cửa” cho chính mình đang là nỗi lo lắng của nhiều hội viên chúng tôi, vì bây giờ đất nghĩa trang cũng phải mua, ai không “xí chỗ” còn không có chỗ mà “ở”.
Trong thời điểm “miếng đất miếng vàng”, không phải cụ nào cũng có con cháu lo lắng cho mình nên phải tự lo liệu, chúng tôi nghĩ đây là một dịch vụ nghiêm túc, dù không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Sử gia Dương Trung Quốc được mời làm cố vấn về vấn đề lịch sử, tâm linh của dự án Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Ông Quốc cho biết, ông không bất ngờ về dịch vụ này. “Quy hoạch nghĩa trang ở Thủ đô đang trong tình trạng xôi đỗ và chưa được chú trọng nghiêm túc. Đã đến lúc xã hội hiện đại phải nhìn nhận nó, coi nó là một lĩnh vực cần thiết trong quy hoạch và quản lý hành chính. Người phương Đông thường né tránh nhắc đến chuyện chết chóc vì được quan niệm đó là điềm gở, nhưng nó là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng, là một phần của cuộc sống”.
Ở độ tuổi trên tuổi lao động, nhiều cụ già không có chỗ dựa, không có thu nhập, dịch vụ mua trả góp đất nghĩa trang dường như sẽ trở thành một dịch vụ mà nhiều người… trông đợi.
(Theo Vietnamnet)