Vì lợi ích kinh tế mà nhiều chủ đầu tư vốn chỉ được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đã tự ý xây thêm tầng, ngăn phòng để biến công trình xây dựng thành những chung cư mini giá rẻ nhằm bán cho người dân. Chính sự buông lỏng của các cơ quan quản lý cùng với sự vô tâm của các chủ đầu tư đã khiến những người mua nhà lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì mua phải những căn chung cư mini trái phép này.
Nỗi lòng người ở chung cư sai phép
Những lời mời chào, quảng cáo như: “Mở bán chung cư mini giá chỉ từ 420 đến 990 triệu/căn DT 25m2 – 42m2 – 49m2 – 52m2, giấy tờ đầy đủ, đầy đủ nội thất, dọn đến ở luôn...” xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội được coi là cơ hội hấp dẫn đối với các gia đình có mức tài chính khiêm tốn, có nhu cầu tìm một căn hộ giá rẻ nhưng gần trung tâm để dễ dàng đi lại, làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều chung cư mini trên địa bàn TP. Hà Nội đang được rao bán lại là các công trình xây dựng sai phép, đa số do các chủ đầu tư “hô biến” vì mục tiêu lợi nhuận. Tất nhiên, người mua sẽ không được hưởng hết những quyền lợi về tiện ích cũng như giấy tờ pháp lý theo như quảng cáo.
Chung cư số 15/35 Khương Hạ - Khương Đình được cấp phép
xây dựng 6 tầng, 1 tum.
Tuy nhiên, trên thực tế, công trình này lại được chủ đầu tư là Công ty
Địa ốc Vàng xây đến tầng 10.
Trong vai người mua nhà, PV đã có cơ hội được “trải nghiệm” tại một chung cư mini nằm trên đường Vũ Tông Phan, phường Khương Đình (Thanh Xuân – Hà Nội). Theo thông tin từ một người dân đang có nhu cầu bán lại căn hộ tại tầng 10 của tòa nhà, được biết, chung cư được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012 và vốn chỉ được cấp phép xây dựng với thiết kế nhà ở riêng lẻ gồm 6 tầng, 1 tum. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, chủ đầu tư lại tự ý xây thành 10 tầng.
Theo bà Nguyễn Thị Hoan: Trước đây gia đình bà mua căn hộ với giá 850 triệu đồng, diện tích khoảng 48m2 gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ để cho con trai lấy vợ ra ở riêng. Khi mua thì dễ nhưng giờ bán lại khó quá. Nếu người mua ưng, bà chịu cắt lỗ 100 triệu, sau đó vẫn có thể thoả thuận tiếp. Tuy nhiên, khi hỏi về giấy tờ pháp lý thì chủ căn hộ cho biết: “Cả toà này làm gì có ai có giấy tờ gì đâu, chỉ có một quyển sổ đỏ chung thôi, nhà đúng phép hay sai phép thì người ta vẫn ở đầy ra đấy”.
Theo một số người dân đang sinh sống tại đây chia sẻ thì nhiều năm nay, chủ đầu tư không quan tâm, tu sửa chung cư, thậm chí nhiều hạng mục còn xuống cấp. Mỗi khi có phát sinh hỏng hóc thì những người dân sinh sống ở đây phải tự bỏ tiền ra thuê người sửa chữa. Một người dân khẳng định: “Thang máy hỏng cũng là chúng tôi tự góp tiền sửa, chứ họ có sửa đâu”.
Trường hợp khác, sau nhiều năm ở nhà thuê, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xiêm đã quyết tâm vay ngân hàng, người thân để mua được căn hộ chung cư mini ở Khương Thượng. Chị Xiêm cho biết: Người dân sống trong các căn hộ tại đây đều mua nhà bằng giấy tờ viết tay và chỉ có 1 bản sao của quyển sổ đỏ chung. Công trình được cấp phép xây dựng dưới 7 tầng, tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây lên tới 9 tầng. Căn hộ trên các tầng vượt phép có giá rẻ hơn các tầng dưới nên đều được bán hết.
Chung cư mini số 43, nghách 35/69 Khương Hạ cũng được xây vượt lên 9 tầng.
Chị Xiêm than thở: “Cứ tưởng hạnh phúc khi mua được nhà Hà Nội, nhưng bây giờ biết ra, rao bán cũng khó, mà ở lại thì cũng không yên tâm”.
Không chỉ gây nhức nhối về vấn đề nhà ở “biến tướng”, việc các chung cư mini mọc lên nhan nhản còn gây lên áp lực lên hạ tầng, giao thông, nhất là tại các con ngõ nhỏ của thủ đô.
Đơn cử, tại địa chỉ 43, nghách 35/69 đường Khương Hạ, nhiều người dân sống tại ngõ này cho biết, sau khi chung cư này được bán cho người dân, con ngõ bình thường đã chật chội, khi có hàng chục hộ dân dọn về ở, tình trạng tắc đường, xả rác thải bừa bãi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Quy định thiếu rõ ràng
PV đã có buổi làm việc với UBND phường Khương Đình - là nơi có nhiều nhà chung cư mini xây dựng sai phép. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, đại diện tổ Thanh tra xây dựng phường Khương Đình: Chung cư mini là cách gọi theo kiểu dân gian, còn thực chất giấy phép xây dựng được cấp là nhà ở riêng lẻ nhưng chủ đầu tư tự ý chia tách căn hộ rồi rao bán trên mạng. Về một số công trình xây dựng sai phép trên địa bàn, ông Hạnh cho biết thêm: Những chung cư mini này chủ yếu được xây dựng từ nhiều năm trước. Ông cũng mới về đây công tác được 10 tháng nên việc xử lý trước kia ông không nắm được. Ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn không có công trình nào được xây dựng kiểu dạng đó.
Về vấn đề này, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cũng khẳng định: Không có khái niệm chung cư mini trong các văn bản quản lý Nhà nước. Tất cả các công trình xây dựng được quận cấp phép cho người dân đều là công trình xây dựng nhà riêng lẻ. UBND quận Thanh Xuân không cấp phép xây dựng cho dạng căn hộ có nhiều hộ ở.
UBND quậnThanh Xuân không cấp phép xây dựng cho dạng căn hộ có nhiều hộ ở, vậy tại sao mà trên địa bàn quận lại tồn tại nhiều dạng nhà này đến như vậy? Việc cấp phép có vấn đề hay do công tác quản lý, giám sát chưa nghiêm? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Pháp luật hiện nay đã có những quy định về cấp sổ hồng cho dạng căn hộ chung cư mini nhưng chưa rõ ràng. Hơn nữa, trên thực tế, phần lớn các chung cư tư nhân hiện nay đều xảy ra tình trạng sai sót về hồ sơ pháp lý như xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng lại biến tường thành chung cư mini, xây thêm tầng hay không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy... Chính vì thế, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là rất khó.