Khói rơm rạ tràn vào thành phố gây khó chịu cho người dân nhưng cũng chính ở các thôn quê người dân cũng đang phải khốn khổ sống chung với “món đặc sản” do chính họ tạo ra.
Sự khó chịu vì khói rơm rạ từ những làng ven đô tràn vào thành phố vốn được nhiều bài báo đề cập đến; nhưng ít ai biết rằng chính ở các thôn quê người dân cũng đang phải khốn khổ sống chung với “món đặc sản” do chính họ tạo ra.
Ra vùng ngoại ô Hà Nội đúng dịp bà con nông dân đang tấp nập, khẩn trương thu hoạch vụ mùa (tháng 5 âm lịch). Việc đồng áng của bà con nếu chỉ dừng lại ở chuyện gặt lúa đơn thuần thì chẳng có gì là lạ lẫm, nhưng giữa thời buổi cơ giới hóa nông nghiệp - khi mà đi tới đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc máy vò lúa chạy xình xịch thì đó lại là chuyện khác.
“Chiếm” đường vò lúa, phơi thóc
Con đường đê Mê Linh từ Hà Nội về Vĩnh Phúc vốn đã nhỏ lại quanh co lắm khúc lắm đoạn những ngày này đang tràn ngập lúa và rơm hòa lẫn trong dòng phương tiện đủ các loại chạy ầm ầm. Giao thông trên tuyến liên tục bị gián đoạn bởi các phương tiện muốn yên ổn thì phải tránh những đống lúa to nhỏ được chuyển từ dưới đồng lên đê, chốc chốc lại bắt gặp những chiếc máy vò lúa nằm “chềnh ềnh” trên đường, và khi những chiếc máy vò này ra sức làm việc thì tình cảnh giao thông trở nên hỗn loạn, thậm chí là nguy hiểm vì rơm từ “miệng” máy phụt ra tứ tung, có tới 4-5 người cứ chạy ngang chạy dọc quanh cái máy để phục vụ và xếp “lúa thành phẩm” lên xe máy, xe bò chở về nhà.
Bác Trung - ở xã Văn Khê (huyện Mê Linh) cho biết: “Bây giờ ai còn mang lúa về nhà tuốt nữa, thuê máy vò mất mấy chục nghìn/lần nhưng chỉ mất 5-10 phút là xong đống lúa, tiện lợi mà. Nhà nào cũng vò lúa ngoài đồng, trên đường chứ chả riêng gì nhà tôi”.
Không chỉ vò lúa trên quốc lộ, nhiều người còn tận dụng luôn mặt đường, lòng đường để làm sân đổ lúa ra phơi, sau đó họ thu nhặt các loại gỗ đá, xếp gạch, rào cây để làm chướng ngại vật ngăn không cho các phương tiện giao thông đi trên đường “xâm phạm” vào bãi lúa của nhà mình!?
Những con đường lớn nhỏ khác cũng được tận dụng tương tự như khu vực Văn Khê - Mê Linh, thậm đường càng to thì hoạt động sản xuất của bà con nông dân trong ngày mùa càng nhộn nhịp.
Sáng vò, trưa phơi lúa, chiều đốt rơm - đó một “điển hình” khác gây khó dễ cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tỉnh lộ Vĩnh Phúc từ xã Tân Phong về thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên).
Những đống rơm to nhỏ không tuân theo 1 trật tự lề trái hay lề phải nào trên đường, mà với bà con nơi đây cứ ruộng ở đâu thì họ tiện vò và phơi lúa luôn ở đó. Chưa hết, cưới chiều đến là người người lại rủ nhau đốt rơm khiến tuyến quốc lộ này bốc khói nghi ngút, lửa bao vây các phương tiện là người tham gia giao thông phải khóc dở mếu dở vì không thể lách lối tìm đường đi.
Anh Đông - một tài xế lái con đi trên tuyến đường này bức xúc: “Tôi không thể nào đi nổi vì khói rơm rạ người dân đốt, nếu cứ cố lao vào chỗ khói lửa mù mịt như thế này không chỉ dễ xảy ra tai nạn giao thông mà có thể còn bị cháy xe trong trường hợp bị bén lửa. Tôi thực sự không hiểu tại sao các ngành chức năng và chính quyền địa phương không can thiệp gì”.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, do tuyến đường này không có đèn điện chiếu sáng vào buổi tối nên nhiều người đi đường đã đâm vào các đống rơm, tuy chưa có trường hợp nào xấu nhất xảy ra nhưng với tình hình này thì giao thông trên tuyến luôn bị đe dọa nghiêm trọng.
Đốt rơm cháy cả xe bò, xe máy
Do không có nhu cầu mang rơm rạ về nhà nên sau khi vò lúa xong rơm rạ chất đống trên đường được tung ra phơi, đến khi rơm khô thì bà con đem đốt để lấy tro bón ruộng. Tuy nhiên, việc làm tưởng như khá tiện cho bà con trong việc đồng áng lại là nguyên nhân gây ra những sự vụ đáng tiếc.
Ông N.V.P (ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) kể, cách đây khoảng nửa tháng, người dân đốt rơm làm cho khói mù mịt trên đường, 2 người điều khiển xe máy chạy ngược chiều do bị che khuất tầm nhìn nên đã đâm vào nhau, vụ đâm va khiến cả 2 người bị văng ra khỏi xe và xây xước nhẹ, tuy nhiên một trong 2 chiếc xe đó bị bắn vào đống rơm đang cháy nên cũng bén lửa, người chủ phương tiện chỉ biết đứng nhìn chiếc xe máy của mình bốc cháy chỉ còn trơ khung.
Tại cánh đồng Yên Thư (xã Yên Phương, huyện Yên Lạc), một câu chuyện cười ra nước mắt khác cũng được bà con quanh vùng thuật lại tỉ mỉ về chiếc xe bò nhà anh X đánh ra đồng kéo lúa. Khi cả nhà đang mải mê cắt lúa dưới đồng thì ở trên đường đống rơm gần đó không biết được ai châm lửa đã bốc cháy từ lúc nào. Những tưởng chẳng liên quan gì nhưng khi ngẩng lên anh được phen tá hỏa khi chiếc xe bò của nhà mình đang bốc cháy ngùn ngụt cùng đống rơm, đám cháy này cũng bén sang 1 chiếc xe bò khác đặt gần đó.
Cũng vì đốt rơm mà đống lúa đang phơi trên đường của nhà bác P.V.H (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chưa kịp đóng bao tải để chở về nhà cũng bị cháy theo. "Tôi không nghĩ tới điều này và rất bất ngờ khi ra dọn lúa thấy bãi lúa đang phơi của nhà mình đã bị cháy mất non nửa" - bác H chia sẻ.
Không chỉ là chuyện cháy xe, cháy lúa, mà người dân sống trong những ngôi làng vào ngày mùa vụ cũng phải thừa nhận rằng khói từ đồng tràn vào làng. Thứ “đặc sản” mà chính họ sản sinh ra khiến cho không khí đặc quánh, cuộc sống ngột ngạt, sinh hoạt bị đảo lộn vì làng chỉ toàn khói và khói. Có lẽ chính người nông dân cũng đã nhận thấy rõ ràng về tác hại của việc đốt rơm, rạ trong ngày mùa, song mọi việc có thể thay đổi được hay không thì còn phụ thuộc vào sự thay đổi về nhận thức, thói quen của chính họ.
(Theo Dân Trí)