Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hạ tầng mới được chuyển nhượng.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hạ tầng mới được chuyển nhượng.
Ngày 27/9, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổ chức phổ biến Luật Kinh doanh bất động sản và góp ý cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với Nghị định này, tình trạng làm ăn bát nháo trên thị trường nhà đất sẽ được chấm dứt.
Ông Tống Văn Nga, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ xem xét ban hành nghị định tháng 12/2006 và Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2007.
Theo dự thảo Nghị định, tổ chức kinh doanh bất động sản, đối với doanh nghiệp Việt Nam thì phải có ít nhất 2 tỷ đồng và đối với doanh nghiệp nước ngoài phải có 10 tỷ đồng. Loại hình hợp tác xã phải có vốn pháp định ít nhất 1 tỷ đồng.
Về điều kiện năng lực tài chính, đối với dự án khu đô thị mới, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chủ đầu tư phải có ít nhất 20% tổng mức đầu tư của dự án. Còn đối với dự án khu nhà ở, chủ đầu tư phải có ít nhất 15% tổng mức đầu tư của dự án.
Dự thảo Nghị định quy định chủ đầu tư chỉ được phép huy động vốn lần đầu của khách hàng khi đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc một phần dự án theo giai đoạn đầu tư và nội dung, tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Tổng số tiền ứng trước của khách hàng không vượt quá 70% giá trị hợp đồng.
Mặc dù được đánh giá là khá hoàn thiện, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản vẫn có một số điểm bị các chuyên gia chỉ trích là thiếu thực tế và khắt khe trong tình hình hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông Lê Nguyễn Quốc Sỹ, Công ty Indochina Land, các quy định về điều kiện và thủ tục chuyển nhượng dự án của cả hai bên nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng đều phải qua sự xem xét của nhiều cơ quan chức năng là quá rắc rối và tốn thời gian (ít nhất 3 tháng), làm cho doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn. Theo ông, hai quy trình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng nên được nhập làm một.
(Theo Lao Động)