Ngày 17-3, UBMTTQ TPHCM cùng Sở Quy hoạch kiến trúc đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đối với khu biệt thự Làng Đại học Thủ Đức (P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức).
Nhiều khu vực trong Làng Đại Học Thủ Đức đã bị chia tách thành nhà
liên kế. Ảnh: NGỌC HÀ
Làng Đại học Thủ Đức rộng hơn 77 ha, giới hạn bởi các tuyến đường Đặng Văn Bi - Võ văn Ngân - xa lộ Hà Nội và đường Dân Chủ. Khu vực này hình thành từ những năm 1970-1980, gồm nhiều biệt thự xây dựng trước và sau năm 1975. Dự thảo quy chế chia khu vực này thành 3 vùng:
Vùng I là khu vực dọc xa lộ Hà Nội cho phép cao từ 8 - 22 tầng với chức năng ở, hỗn hợp, thương mại dịch vụ, cao ốc... Khu vực này được xây dựng theo quy chế quản lý kiến trúc dọc xa lộ Hà Nội đã được TP phê duyệt.
Vùng II là khu dân cư, gồm các biệt thự xây dựng trước và sau năm 1975, một số khu vực xen cài nhà liên kế.
Theo dự thảo thì vùng II là khu vực cần được giữ gìn và bảo tồn không gian kiến trúc biệt thự đặc trưng mang sắc thái riêng của Làng Đại học. Khu vực này còn nhiều khu biệt thự với diện tích rộng từ 400 đến 1800m2, nhiều năm nay người dân có nhu cầu chia tách thửa đất để bán hoặc chia cho con cái nhưng không được.
Vùng III là phần còn lại bao gồm các công trình xây dựng dưới 8 tầng, các khu dân cư dạng nhà phố liên kế.
Dự thảo quy chế cho phép tách thửa đất ở các khu biệt thự với điều kiện diện tích của thửa đất sau khi tách phải từ 400m2 trở lên, chiều rộng không nhỏ hơn 12m, chiều dài không quá 3,5 lần chiều rộng.
Tại hội nghị, người dân sống tại Làng Đại học Thủ Đức cho biết họ đã chờ đợi quy chế này nhiều năm nay bởi nhiều năm nay không được chia tách đất cho con. Những khu đất rộng chưa được duyệt cho tách thửa hoặc xây dựng mới lại trở thành những quán cà phê, quán ăn hoặc “phố nhậu”.
Tuy nhiên, người dân cũng phản ánh rằng điều kiện tách thức như dự thảo quy chế là quá khắt khe.
“Hiện nhiều khu biệt thự quy hoạch mới chỉ rộng 150m2/thửa đất cũng có thể xây được biệt thự, sao buộc dân của Làng Đại Học phải tách thửa đến 400m2?”, ông Trần Việt Cường, một hộ dân trong Làng Đại học đặt vấn đề.
Nhiều hộ dân đề nghị Quy chế quản lý này phải khả thi, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện cho người dân tạo lập cuộc sống ổn định.
Ông Vũ Thanh Lưu, phó chủ tịch UBMTTQ TP, lưu ý đơn vị tư vấn xây dựng quy chế phải minh bạch, khả thi và trên tiêu chí ổn định cuộc sống của người dân.
Người dân góp ý tại Hội nghị phản biện xã hội về quy chế quản lý quy hoạch
kiến trúc đối với khu biệt thự Làng Đại Học thủ Đức - Ảnh: NGỌC HÀ