Hiện nay, KKT đã có khoảng 147 dự án đầu tư được cấp phép và thoả thuận đầu tư với số vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD.
Hiện nay, KKT đã có khoảng 147 dự án đầu tư được cấp phép và thoả thuận đầu tư với số vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD.
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được thành lập theo Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hạt nhân là KCN Dung Quất. Năm 2007, quy hoạch chung KKT với quy mô 10.300ha được phê duyệt.
Hiện nay, KKT đã có khoảng 147 dự án đầu tư được cấp phép và thoả thuận đầu tư với số vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD.
Tháng 7/2009 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2025. Theo đó, KKT có tổng diện tích nghiên cứu điều chỉnh là 45.332ha, có tính chất là KKT tổng hợp với ngành kinh tế mũi nhọn là lọc hóa dầu và luyện cán thép, đóng tàu biển…; là trung tâm đô thị công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là đầu mối về giao thông vận tải và giao lưu quốc tế, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Nhận định về hiện trạng đầu tư xây dựng trên địa bàn KKT Dung Quất, Bộ Xây dựng cho biết, công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung của KKT chưa đồng bộ, cụ thể là hệ thống cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật nội bộ, gây nên nhiều khó khăn cho việc triển khai các dự án thành phần. Hệ thống công trình dịch vụ đô thị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức vì vậy chậm phát triển, không đáp ứng nhu cầu của người lao động và dân cư làm việc và sinh sống trong KKT. Nguồn vốn ngân sách bố trí cho lĩnh vực này là không đáng kể. UBND tỉnh đang kiến nghị được dùng toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất để tái đầu tư cho hạ tầng KKT.
Cũng theo Bộ Xây dựng, công tác chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư tái định cư còn chưa thực hiện tốt, tiến độ luôn chậm so với kế hoạch và chất lượng không cao làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư và tác động xấu đến các công tác di dời phục vụ phát triển. Công tác đầu tư xây dựng đô thị Vạn Tường theo quy hoạch được triển khai rất chậm do không thu hút được vốn đầu tư. Một số nhà đầu tư không thực hiện các cam kết đầu tư về hạ tầng đô thị mà đề xuất được xây dựng các khu ở ngay tại khuôn viên nhà máy dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Hơn thế, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý hành chính tại địa bàn và BQL KKT trong quá trình triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn do mô hình quản lý KKT hiện hành còn nhiều bất cập.
Góp ý cho Đề án “Phát triển KKT Dung Quất thành thành phố công nghiệp, có trung tâm lọc hóa dầu quốc gia và cơ chế tài chính đặc thù cho tỉnh Quảng Ngãi trong một số năm đầu Nhà máy lọc dầu đi vào vận hành”, Bộ Xây dựng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc xây dựng mô hình quản lý hành chính gắn với cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố dự kiến thành lập mới. Với vai trò động lực và đầu tàu kinh tế của thành phố trong toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc thù về vị trí địa lý cũng như tầm quan trọng về an ninh quốc phòng, KKT nên xây dựng theo mô hình hành chính của một đô thị trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi với những cơ chế mở tạo môi trường phát triển kinh tế chung cho toàn khu vực.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu đề xuất được các chính sách cụ thể tạo nguồn tài chính để xây dựng phát triển KTT đạt các tiêu chí của một đô thị hoàn chỉnh. Bởi hiện tại Đề án mới chỉ xây dựng được các đề xuất về chính sách thuế để tạo nguồn ngân sách cho địa phương mà chưa đề xuất được các cơ chế cụ thể để thu hút đầu tư tạo nguồn tài chính cho xây dựng và phát triển KKT trở thành một đô thị hiện đại của vùng như mục tiêu của Đề án.
Bộ Xây dựng lưu ý: Với vị trí và quy mô sau khi mở rộng KKT hiện tại, thành phố công nghiệp trong tương lai có xu hướng phát triển tiến sát gần ranh giới của thành phố Quảng Ngãi vì vậy cần có sự phân tích kỹ hơn về vai trò của hai đô thị này trong hệ thống các đô thị của tỉnh Quảng Ngãi để có giải pháp phát triển không gian phù hợp cho từng đô thị.
(Theo Báo Xây dựng)