Thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc cấp nhà ở cho bác sĩ về nhận công tác tại các xã khó khăn ở Tây Nguyên từ năm 2001, huyện Đăk Hà (Kontum) đã xây dựng nhà ở dành cho bác sĩ, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, rộng hơn 40 m2... nhưng các bác sĩ từ chối nhận nhà.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc cấp nhà ở cho bác sĩ về nhận công tác tại các xã khó khăn ở Tây Nguyên từ năm 2001, huyện Đăk Hà (Kontum) đã xây dựng nhà ở dành cho bác sĩ, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, rộng hơn 40 m2... nhưng các bác sĩ từ chối nhận nhà.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lý - trạm trưởng trạm y tế xã Đăk Mar - đến thăm căn nhà dành cho bà giữa vườn cà phê bạt ngàn. Phía trước căn nhà cỏ dại mọc um tùm không có lối vào. Trong nhà từng cánh cửa sổ vứt chỏng chơ mỗi cái một nơi, khắp sàn nhà vương vãi đầy phân trâu, bò.
Nhìn lên mái nhà là một khoảng trời rộng, bởi tấm tôn đã bị gió cuốn bay. Theo bác sĩ Lý, căn nhà này được xây dựng từ năm 2003, có quá nhiều bất hợp lý nên bà cương quyết không nhận. Từ đó đến nay căn nhà chưa một lần được sử dụng, trở thành nhà hoang.
Nhà dành cho bác sĩ tại xã Đăk H’Ring cũng chưa một lần được bác sĩ Nguyễn Thành Trung sử dụng làm nơi ở. Căn nhà được xây nhưng chỉ dành cho những người lang bạt chiếm dụng, trú mưa trú nắng.
Bác sĩ Lý không nhận nhà vì: “Xây nhà xong bảo rằng đó là nhà công vụ, sử dụng luân phiên chứ không “cho” hẳn bác sĩ nên tôi không đồng tình!”. Bên cạnh đó, bà đã có nhà khang trang cách trạm y tế khoảng 3 km. Việc xây dựng nhà còn quá nhiều bất cập như chất lượng công trình không đảm bảo. Bà nói: “Giá như 50 triệu đồng đó cho tôi vay không lấy lãi thì hiệu quả hơn”.
Còn ông AMưnh, trạm phó, cho rằng: “Nhà gì mà không có điện, không có nước sinh hoạt, gió tốc hết mái. Họ bảo ký vào biên bản nhận nhà thì mình ký nhưng không ở!”.
Bác sĩ Trung nói: “Nhà ở chọn vị trí không phù hợp, phía bên trái là bãi tha ma, phía trước là khu vệ sinh của UBND xã Đăk Mar, bên phải thì khu vệ sinh của trạm y tế, ở chắc mắc bệnh liền. Giá như dành số tiền đó hỗ trợ mua phương tiện đi lại thì phù hợp hơn. Đồng thời chất lượng công trình xây dựng quá kém”.
Bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, cho biết ngành đã kiểm tra đánh giá thực trạng những căn nhà dành cho bác sĩ bị xuống cấp này, đang lên kế hoạch để có biện pháp sửa chữa, nếu được sẽ chuyển mục đích sử dụng như làm nhà ở cho giáo viên chẳng hạn. Cùng với việc xây dựng 5 căn nhà tại huyện Đăk Hà, ngành còn xây 4 căn nhà dành cho bác sĩ tại huyện Ngọc Hồi. Cả 4 căn này đang được sử dụng và bảo quản tốt.
(Theo Tuổi Trẻ)