Nhằm bảo vệ và phát triển vốn đất để trồng lúa năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ sung thêm hơn 470 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2015 cho cho 9 địa phương trên cả nước.
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phải giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa.
9 tỉnh nằm trong diện được bổ sung thêm kinh phí là: Bắc Ninh với số tiền 13,750 tỷ đồng, Thanh Hóa nhận được 64,792 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1,093 tỷ đồng, Quảng Ngãi nhận thêm 14,905 tỷ đồng, Tây Ninh là 25,486 tỷ đồng, Vĩnh Long là 35,600 tỷ đồng, Hậu Giang nhận được 41,194 tỷ đồng, Đồng Tháp là 113,067 tỷ đồng và tỉnh nhận được thêm kinh phí bổ sung nhiều nhất là Kiên Giang với 160,993 tỷ đồng.
Chính phủ đánh giá, quá trình đô thị hóa cũng như công nghiệp hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang ngày một phát triển mạnh mẽ đã khiến phần đất canh tác đang dần bị giảm đi hết sức nhanh chóng. Vì vậy, giữ gìn diện tích đất trồng lúa là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Vấn đề quản lý và sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả cũng những chính sách hỗ trợ và bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đã được Chính phủ nêu rõ tại Nghị định số 35/2015 được ban hành trong thời gian vừa qua.
Cụ thể: Đất chuyên trồng lúa nước tại các địa phương sẽ được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm; kinh phí hỗ trợ đối với đất trồng lúa khác là 500.000 đồng/ha/năm (không tính diện tích đất lúa nương được mở rộng do tự phát không nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của Nhà nước).
Cùng với đó, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ đối với diện tích đất khai hoang, cải tạo đất trồng lúa tại các địa phương là 10 triệu đồng/ha đất trồng lúa (không tính diện tích đất trồng lúa nương được khai hoang từ vốn đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hoang...)